Nhiều ngân hàng vẫn huy động với lãi suất cao

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), các tổ chức tín dụng đã thống nhất quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và ủng hộ đề xuất mức tối đa 9,5%/năm cho lãi suất huy động các kỳ hạn, bao gồm cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất. Điều này nhằm ổn định mặt bằng huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống. Tuy nhiên trên thực tế khảo sát tính đến ngày 18/12, nhiều ngân hàng vẫn đang huy động với mức lãi suất cao từ 10 - 11%/năm.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại VPBank chi nhánh Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Trong đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) đang niêm yết mức lãi tiết kiệm cao nhất lên tới 10,5%/năm và không yêu cầu điều kiện về số tiền tối thiểu. Như vậy, khách hàng gửi dù ít hay nhiều cũng đều được hưởng mức lãi suất này cho kỳ hạn 13 tháng. Các kỳ hạn 12, 18, 24 và 36 tháng tại Saigonbank cũng được trả lãi 10% năm.

Một ngân hàng khác cũng đang áp dụng mức lãi suất trên 10%/năm là Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank). Từ nay đến ngày 30/1/2023, khách hàng gửi tiền tiết kiệm với các kỳ hạn 13 tháng và 15 tháng được hưởng các mức lãi suất cao nhất lên tới 10,2%/năm và 10,3%/năm. Cũng trong chương trình ưu đãi này, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tại BaoViet Bank là 9,8%/năm. Các mức lãi suất trên đều cao hơn biểu niêm yết hiện hành là 1%/năm. 

Còn tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank), lãi suất cao nhất niêm yết hiện là 9,85%/năm cho kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ. Tuy nhiên, ngân hàng này còn áp dụng biên độ cộng lãi suất thêm từ 0,7 - 1,1%/năm theo số tiền gửi tương ứng từ mức 10 triệu đồng, 100 triệu đồng... đến trên 500 tỷ đồng. Như vậy, lãi suất cao nhất khách hàng có thể được hưởng tại DongA Bank lên tới 10,95%/năm.

Với tiền gửi 6 tháng, lãi suất tại DongA Bank niêm yết là 9,35%/năm. Nếu cộng thêm biên độ từ 0,7 - 0,85%/năm theo số tiền gửi thì chỉ cần gửi từ 10 triệu đồng, khách hàng đã được hưởng lãi suất tới 10,05%/năm và từ 1 tỷ đồng trở lên là 10,2%/năm.

Tương tự tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), khách hàng gửi tiết kiệm online sẽ được ưu đãi cộng thêm lãi suất từ 1,6%/năm đến 2%/năm khi gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Thời gian áp dụng vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, từ ngày 3/12/2022 đến ngày 26/2/2023.

Như vậy, với lãi suất niêm yết cao nhất là 8,8%/năm cho tiền gửi online kỳ hạn từ 15 tháng trở lên, khách hàng VIB có thể được nhận lãi suất tới 10,8%/năm theo chương trình ưu đãi trên.

Ngoài ra, VIB còn tặng 1 triệu đồng cho mỗi 1 tỷ đồng khách hàng gửi thêm mới tại ngân hàng. Số tiền được tặng không giới hạn, áp dụng cho khách hàng mở mới tiền gửi trực tuyến hoặc tại quầy hoặc nhận chuyển nhượng Chứng chỉ tiền gửi hoặc Tiền gửi iDepo có kỳ hạn từ 6 tháng trong thời gian từ nay đến hết ngày 31/12/2022. 

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cũng áp dụng lãi suất cao nhất tới 10,1%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm lần đầu tại ngân hàng này thông qua ứng dụng NCB iziMobile với kỳ hạn từ 13 tháng trở lên.

Ngoài ra, không ít ngân hàng có mức huy động tiệm cận 10%/năm như Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với 9,95%/năm; Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) 9,9%/năm; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) 9,8%/năm; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với 9,5%/năm; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) 9,4%/năm...

Còn trong nhóm 4 ngân hàng lớn, lãi suất huy động cao nhất đang được áp dụng là 8,5%/năm cho tiền gửi tại quầy của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và 8,2%/năm cho tiền gửi online tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Theo chia sẻ của một lãnh đạo ngân hàng, việc liên tục tăng lãi suất huy động ở thời điểm này phần nào khiến biên lợi nhuận của ngân hàng mỏng đi, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cuối năm, nhất là trong bối cảnh hoạt động cho vay ra không dễ dàng bởi nhiều ràng buộc từ hạn mức tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này là cần thiết nhằm cân đối nguồn vốn, tránh hiện tượng dòng tiền chảy từ ngân hàng này qua ngân hàng khác.

Vị lãnh đạo trên dự báo, với những biến động trên thế giới, có thể lãi suất huy động giai đoạn này đã ở mức đỉnh và có khả năng hạ nhiệt sau quý I/2023.

Tại cuộc họp mới đây giữa Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam với các tổ chức tín dụng về vấn đề lãi suất huy động và cho vay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết đã quán triệt các ngân hàng giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực của từng tổ chức tín dụng. 

Phó Thống đốc yêu cầu giảm lãi suất nhưng không để các ngân hàng suy yếu về năng lực tài chính. Đồng thời, các nhà băng cũng không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Giảm lãi suất quan trọng nhất là cắt giảm chi phí hoạt động, lợi nhuận và cổ đông phải chia sẻ.

Lê Phương (TTXVN)
Ngóng ngân hàng 'tăng tốc' giải ngân vốn
Ngóng ngân hàng 'tăng tốc' giải ngân vốn

"Room tín dụng" cho các ngân hàng đã được mở, nhưng nhiều doanh nghiệp kỳ vọng tiến độ giải ngân vốn sẽ tăng tốc để đáp ứng dòng tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh cuối năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN