Để đáp ứng yêu cầu trên, các ngân hàng đã đồng loạt gửi thông báo cho khách hàng qua email, tin nhắn SMS và thông báo trên ứng dụng di động, đề nghị khách hàng cập nhật hình ảnh khuôn mặt và căn cước công dân gắn chip trước ngày 1/7 để tránh gián đoạn giao dịch online giá trị lớn.
Tuy nhiên, đã có nhiều phản ánh từ người dân cho biết họ gặp khó khăn trong quá trình cập nhật dữ liệu.
Theo bác Nguyễn Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), do không quen sử dụng công nghệ nên dù đã làm theo hướng dẫn trên ứng dụng ngân hàng (app) nhiều lần nhưng hệ thống vẫn báo việc cập nhật dữ liệu bị lỗi, đề nghị thao tác lại.
Chưa dừng ở đó, anh Xuân Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ khi xác thực sinh trắc học, app ngân hàng yêu cầu đưa căn cước công dân áp sát vào điện thoại di động tại vị trí có đầu đọc NFC (kết nối không dây trong phạm vi ngắn) nhưng không phải điện thoại thông minh nào cũng có đầu kết nối này hoặc mỗi điện thoại lại thiết kế đầu đọc NFC ở vị trí khác nhau, gây khó cho người dùng khi xác thực.
Khác với 2 khách hàng trên, dù không gặp trục trặc khi thao tác cập nhật dữ liệu nhưng ông Phan Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại lo lắng việc cập nhật thông tin vào app ngân hàng đòi hỏi chụp ảnh khuôn mặt, quét thông tin trên căn cước công dân với hàng loạt dữ liệu cá nhân, dấu vân tay... như vậy liệu có nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân hay không.
"Hiện nay các hình thức lừa đảo đang ngày một tinh vi. Việc cung cấp một khối lượng dữ liệu cá nhân lớn như vậy làm tôi lo ngại về quyền riêng tư của mình và nguy cơ lộ lọt thông tin, tạo điều kiện cho kẻ gian lừa đảo", ông Minh nói.
Trước những khó khăn của khách hàng trong quá trình cập nhật dữ liệu, các ngân hàng cho biết, ngoài hình thức cập nhật trực tuyến trên ứng dụng ngân hàng, người dân có thể đem theo căn cước công dân đến trực tiếp các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng để được định danh bằng máy đọc NFC tại quầy.
Ngoài ra, đối với khách hàng là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam không được cấp căn cước công dân gắn chip, khách hàng có thể sử dụng hộ chiếu và đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng, để được nhân viên hỗ trợ kiểm tra và cập nhật thông tin sinh trắc học.
Là một trong những ngân hàng đầu tiên triển khai đăng ký dữ liệu sinh trắc học, gồm dữ liệu khuôn mặt hoặc vân tay đồng bộ với thông tin căn cước công dân gắn chip, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết ngay từ tháng 3/2024, toàn bộ cán bộ, nhân viên TPBank đã cập nhật và sử dụng dữ liệu sinh trắc học trong xác thực giao dịch chuyển tiền và thanh toán nhằm đảm bảo việc vận hành và xác thực chính xác, ổn định. Và đến tháng 5/2024, việc cập nhật dữ liệu đã chính thức được triển khai tới khách hàng của TPBank.
"Việc triển khai sớm xác thực giao dịch bằng sinh trắc học không chỉ sớm tăng cường bảo mật cho khách hàng mà còn giúp khách hàng chủ động thời gian đăng ký, tránh tình trạng quá tải đăng ký nhận diện trước ngày hiệu lực. Ngoài kênh đăng ký qua app và tại quầy, khách hàng của TPBank còn có thể thực hiện cập nhật dữ liệu tại gần 500 điểm giao dịch tự động LiveBank 24/7", đại diện TPBank cho hay.
Tương tự, đại diện Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cho biết giải pháp xác thực giao dịch số hóa bằng sinh trắc học là một trong những cam kết của MSB nhằm tuân thủ các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời hướng đến mục tiêu cao nhất là đảm bảo giao dịch an toàn, bảo mật cho khách hàng trên không gian số.
Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHΝΝ về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ ngày 1/7/2024, khách hàng phải xác thực sinh trắc học khi giao dịch ngân hàng lần đầu bằng Mobile Banking; mọi giao dịch chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên đều phải thông qua bước xác thực bằng sinh trắc học đối với người chuyển tiền; tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có 60 tổ chức tín dụng triển khai xác thực khách hàng thông qua căn cước công dân gắn chip tại quầy, 49 tổ chức tín dụng thực hiện xác thực CCCD gắn chip qua ứng dụng trên thiết bị di động, 22 đơn vị tham gia triển khai ứng dụng Định danh và xác thực điện tử công dân (VNeID).
Trước đó, ngay sau khi Quyết định 2345 được ban hành, các tổ chức tín dụng đã khẩn trương, tích cực triển khai xây dựng lộ trình áp dụng, rà soát cơ sở dữ liệu, xây dựng các giải pháp công nghệ phù hợp. Các giải pháp do doanh nghiệp thực hiện đã hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc thu thập dữ liệu khách hàng để so khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Để có thể xác thực sinh trắc học lần đầu theo Quyết định 2345 trên ứng dụng ngân hàng, người dân cần đăng nhập vào ứng dụng, lựa chọn tính năng Cập nhật thông tin (tên gọi có thể khác nhau đối với mỗi ứng dụng ngân hàng). Sau đó thực hiện quét khuôn mặt; chụp căn cước công dân mặt trước và mặt sau; quét thông tin từ căn cước công dân gắn chip vào đầu đọc NFC trên điện thoại để truyền dữ liệu. Cuối cùng, xác nhận thông tin và xác thực OTP là đã hoàn tất việc cập nhật dữ liệu.
Giới chuyên gia nhận định các biện pháp xác thực giao dịch truyền thống như mật khẩu và mã xác thực một lần (OTP) ngày càng dễ bị tấn công. Trong khi đó, xác thực bằng sinh trắc học, với đặc điểm độc nhất của mỗi người, có thể hạn chế tối đa khả năng làm giả, tạo ra một "hàng rào" bảo mật mạnh mẽ hơn. Giải pháp này cho phép cơ quan quản lý, tổ chức cung cấp dịch vụ xác định được chính xác chủ tài khoản, người thực hiện giao dịch, người thụ hưởng. Điều này không chỉ bảo vệ tài khoản của khách hàng mà còn giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro gian lận.
Tuy nhiên, một chuyên gia trong lĩnh vực bảo mật khuyến cáo bảo mật thông tin sinh trắc học là vô cùng quan trọng. Nếu không được bảo vệ tốt, chính những thông tin này có thể trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng.