Về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước (Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh) đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ trong trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề.
Việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất cũng như chứng từ chứng minh nguồn vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ là rất khó. Nhiều khách hàng có tâm lý e ngại việc thanh, kiểm tra, kiểm toán mất thời gian, cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra để nhận hỗ trợ.
Để được hỗ trợ vốn vay, khách hàng phải có phương án về khả năng phục hồi. Tuy nhiên, khả năng phục hồi là điều rất khó đánh giá. Ngân hàng thương mại có tâm lý e ngại cho vay do một số chương trình hỗ trợ lãi suất đã triển khai trước đây nhưng vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng. Hiện tại, bối cảnh kinh tế - xã hội đã thay đổi so với thời điểm ban hành chính sách, nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp cũng thay đổi.
Đối với chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở, các tổ chức tín dụng chưa có cơ sở để tiếp cận, thẩm định dự án do trước đây địa phương chưa phê duyệt danh mục dự án. Phía khách hàng mua nhà do tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập giảm nên việc mua nhà chưa phải là nhu cầu ưu tiên trong thời điểm hiện tại.
Về cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc tiếp cận nguồn vốn của nhóm này còn hạn chế do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế. Thiếu phương án kinh doanh khả thi, chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường, tính liên kết với chuỗi sản xuất còn yếu. Thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp vẫn thiếu minh bạch, ảnh hưởng đến việc thẩm định của các tổ chức tín dụng để đánh giá thực chất doanh nghiệp.
Hiện tại, thị trường bất động sản khó khăn, dẫn đến cho vay bất động sản tăng chậm. Thời gian qua, tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản kém lành mạnh, tổ chức tín dụng phải cân nhắc trong quá trình thẩm định, xem xét cho vay đối với doanh nghiệp này.
Để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, phát huy hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai kiến nghị cơ quan Trung ương mở rộng chính sách tài khóa, giúp cải thiện thanh khoản cho nền kinh tế.
Cùng đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; có các giải pháp khai thác cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào cầu nước ngoài nhằm tăng tính độc lập, tự chủ nền kinh tế. Đồng thời xử lý các vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp để qua đó góp phần đẩy mạnh cả 2 phía cung - cầu tín dụng và xem xét điều chỉnh một số quy định được vay vốn hỗ trợ lãi suất.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cũng kiến nghị tỉnh tập trung triển khai các giải pháp tăng tỷ lệ giải ngân đầu tư công; trong đó, chú trọng đẩy nhanh giải ngân công trình hạ tầng đô thị, dự án giao thông trọng điểm; hỗ trợ hoàn thiện thủ tục pháp lý dự án đầu tư nói chung và bất động sản nói riêng trên địa bàn.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, đối với gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ, đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã hỗ trợ gần 8 tỷ đồng lãi suất cho hơn 60 khách hàng.
Ngoài ra, thực hiện chính sách của Trung ương, tổ chức tín dụng tại Đồng Nai đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi vay cho hàng chục nghìn khách hàng; đồng thời cho nhiều doanh nghiệp vay để trả lương ngừng việc cho người lao động.