Theo đó, các ngân hàng trung ương thành viên thống nhất thúc đẩy kết nối thanh toán xuyên biên giới trên cơ sở ứng dụng các phương thức thanh toán như QR code, thanh toán nhanh và các mô hình thanh toán khác cũng như hợp tác giám sát và xây dựng cơ chế quản lý rủi ro lành mạnh, phù hợp với khuôn khổ pháp lý của các quốc gia thành viên. Cơ chế triển khai Biên bản ghi nhớ dưới nhiều hình thức đa dạng như đối thoại, giám sát, đánh giá và trao đổi thông tin.
Thanh toán qua QR code cho phép người dùng không cần mang theo tiền mặt mà vẫn có thể thanh toán các món hàng tại cửa hàng bán lẻ. Người dùng chỉ cần có điện thoại thông minh và tài khoản ngân hàng. Khi thanh toán, người dùng đưa camera của điện thoại quét mã là hệ thống sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản ngân hàng.
Với cách thanh toán này giúp du khách Việt Nam không cần đổi tiền, không cần mang nhiều tiền mặt mà vẫn có thể thanh toán đồ ăn, thức uống, mua sắm một cách đơn giản và tiện dụng khi đi du lịch qua các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Singapore.
Theo Ngân hàng Nhà nước, sáng kiến này được đánh giá là một bước tiến lớn trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của khu vực ASEAN, phù hợp với xu hướng đẩy mạnh kết nối thanh toán xuyên biên giới. Cho tới nay, đã có 9 liên kết trong lĩnh vực thanh toán song phương sử dụng mã QR giữa các quốc gia ASEAN đang hoạt động và 10 liên kết đang được phát triển. Trong khi đó đối với lĩnh vực chuyển tiền, đã có 3 liên kết đi vào hoạt động và 5 liên kết đang được thiết lập. Trong thời gian tới, Biên bản ghi nhớ được kỳ vọng sẽ tiếp tục xem xét mở rộng mạng lưới thành viên để tạo thuận lợi thúc đẩy kết nối thanh toán xuyên biên giới không chỉ trong khu vực ASEAN mà cả với các quốc gia khác.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang giữ vai trò đồng chủ trì Nhóm công tác về Hệ thống Thanh toán khu vực ASEAN (WC-PSS) giai đoạn 2022-2024 cùng với Ngân hàng trung ương Thái Lan. Trên cương vị này, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực phối hợp với Ngân hàng trung ương Thái Lan thúc đẩy các sáng kiến về thanh toán theo hướng dành ưu tiên cao cho việc cùng hợp tác nghiên cứu/trao đổi về khả năng kết nối thanh toán xuyên biên giới trong khu vực. Việt Nam và Thái Lan đã chấp nhận sử dụng thanh toán qua QR code từ cuối năm 2022.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc kết nối thanh toán xuyên biên giới ngày càng nhận được sự quan tâm và trở thành chủ đề nghiên cứu chuyên sâu tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, thế giới đang chứng kiến sự hình thành và phát triển của nhiều phương thức thanh toán xuyên biên giới trên nền tảng kỹ thuật chung có tính tiện ích cao, thân thiện với người dùng như ứng dụng thanh toán/chuyển tiền trên điện thoại di động, QR code...
Tại khu vực ASEAN, trong bối cảnh thanh toán số xuyên biên giới đã và đang phát triển nhanh chóng, tăng cường kết nối thanh toán nội khối ASEAN tiếp tục là một trong những chương trình nghị sự ưu tiên của tiến trình hội nhập ngân hàng khu vực. Kế hoạch tổng thể cộng đồng kinh tế ASEAN 2025 (AEC 2025) đã xác định một trong các biện pháp để thực hiện mục tiêu về một nền kinh tế hội nhập cao và gắn kết là tăng cường các hệ thống thanh, quyết toán thông qua thúc đẩy tiêu chuẩn hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng thanh toán cho các hoạt động thương mại, chuyển tiền và thanh toán bán lẻ xuyên biên giới để tạo môi trường thúc đẩy các liên kết khu vực và hệ thống thanh toán an toàn, hiệu quả và cạnh tranh.
Các ngành bán lẻ cũng sẽ được hưởng lợi trong bối cảnh chi tiêu của người tiêu dùng dự kiến sẽ tăng, từ đó có thể thúc đẩy ngành du lịch. Kết nối khu vực được coi là rất quan trọng để giảm sự phụ thuộc của khu vực vào các loại tiền tệ bên ngoài cho các giao dịch xuyên biên giới, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp.
Bằng cách kết nối các hệ thống thanh toán bằng mã QR, tiền có thể được gửi từ ví kỹ thuật số này sang ví kỹ thuật số khác. Những ví kỹ thuật số này hoạt động hiệu quả như tài khoản ngân hàng nhưng chúng cũng có thể được liên kết với tài khoản tại các tổ chức tài chính chính thức.
Các chuyên gia cho biết các doanh nghiệp siêu nhỏ cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) cũng sẽ được hưởng lợi nhờ kết nối thanh toán khu vực. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, các công ty như vậy chiếm hơn 90% doanh nghiệp ở Đông Nam Á. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tránh được các chi phí liên quan đến việc duy trì hệ thống điểm bán hàng thực tế hoặc trả phí trao đổi cho các công ty thẻ.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, Hiệp hội Ngân hàng ASEAN (ABA) đang xây dựng tài liệu về các tiêu chuẩn kết nối QR và các thực tiễn hiện nay nhằm cung cấp một khuôn khổ hướng dẫn kết nối QR giữa hai quốc gia trong khu vực. Tài liệu được xây dựng trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm từ quá trình kết nối QR song phương trong khu vực ASEAN.