Nâng sức nguồn vốn
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa hoàn tất giao dịch phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật Bản. Giao dịch trị giá hơn 35,9 nghìn tỷ đồng (tức gần 1,5 tỷ USD) này đã đưa SMBC - ngân hàng lớn thứ 2 Nhật Bản - trở thành đối tác chiến lược của VPBank. Thương vụ diễn ra trong bối cảnh VPBank đặt mục tiêu nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dịch vụ cho vay tiêu dùng.
Cụ thể, SMBC đã đặt cọc 10% giá trị của giao dịch ngay trước thềm cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên của VPBank vào tháng 4/2023. Phần còn lại, khoảng 90% giá trị, sẽ được ghi nhận vào vốn chủ sở hữu của VPBank ngay sau khi giao dịch hoàn tất. Nhờ đó, tổng vốn chủ sở hữu của VPBank sẽ tăng từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên khoảng 140 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VPBank, theo tính toán của tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s, sẽ tăng lên gần 19%, vượt trội trong số các ngân hàng được tổ chức này đánh giá tại Việt Nam.
Trước đó, từ năm 2021, thông qua công ty tài chính SMBC Consumer Finance, SMBC đã góp phần mua lại 49% vốn của FE Credit, công ty tài chính thuộc sở hữu của VPBank, với giá trị lên tới gần 1,4 tỷ USD. Qua đó có thể thấy sự quan tâm đặc biệt của SMBC đối với thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.
Không riêng VPBank, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng vừa chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty tài chính TNHH MTV Bưu Điện (PTE) cho AEON Financial Service Co., Ltd. - thành viên của AEON Group, tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Nhật Bản. Giao dịch này có giá trị 4,3 nghìn tỷ đồng.
Với việc mua lại mảng tài chính của SeABank tại PTE, nhà đầu tư này sẽ mở rộng cơ hội cung cấp sản phẩm mua trước trả sau, một xu hướng tiêu dùng đang phổ biến hiện nay. Tính đến cuối tháng 2/2023, AEON Financial đạt 48 triệu khách hàng sử dụng thẻ tín dụng. Năm 2022, AEON Financial đạt doanh thu hoạt động gần 3,5 tỷ USD, vốn chủ sở hữu đạt hơn 3,1 tỷ USD và tổng tài sản hơn 46,5 tỷ USD.
Ngoài VPBank và SeABank, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) cũng lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài nếu được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cổ phiếu được bán cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ hạn chế việc chuyển nhượng trong 3 năm đối với đối tác chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) trước đó cũng đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của Công ty tài chính SHB Finance cho đối tác Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan. Hai bên đã đạt thỏa thuận tiếp tục chuyển nhượng 50% còn lại sau ba năm nữa.
Chưa dừng ở đó, SHB còn nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc khi ngân hàng này đã thông báo kế hoạch bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm củng cố thêm sức mạnh tài chính. Ước tính thương vụ có thể đạt giá trị từ 2 - 2,2 tỷ USD và dự kiến được hoàn tất trong năm nay hoặc đầu năm 2024 và cần được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
Tại các ngân hàng lớn, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang lên kế hoạch phát hành riêng lẻ lần lượt 6,5% và 9% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo kế hoạch, Vietcombank sẽ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2023 - 2024. Còn BIDV dù không tiết lộ về nhà đầu tư tiềm năng nhưng lãnh đạo ngân hàng này từng chia sẻ sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2023.
Tăng năng lực quản trị
Không chỉ nhằm mục đích gia cố sức khỏe nguồn vốn, các hoạt động mua bán - sáp nhập trong ngành ngân hàng còn giúp tăng khả năng quản trị và điều hành, đặc biệt tại các ngân hàng yếu kém.
Mới đây, bà Phạm Thị Nhung, Phó Tổng Giám đốc VPBank cho biết, đến thời điểm hiện tại ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để tiếp quản một ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc và sẽ bắt tay ngay vào việc tái cơ cấu lại ngân hàng đó ngay khi được chuyển giao.
Việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém từng được nhắc đến nhiều lần tại các kỳ đại hội cổ đông trước đây của VPBank. Nhưng phải tới kỳ đại hội năm 2023, lãnh đạo ngân hàng mới lên tiếng khẳng định VPBank là 1 trong 4 ngân hàng tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém và đang trong quá trình nghiên cứu đề xuất, phê duyệt của các ngân hàng.
Ngoài VPBank, còn có 3 ngân hàng khác công bố kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank).
Tại các cuộc họp đại hội đồng cổ đông diễn ra vào cuối tháng 4/2023, lãnh đạo các ngân hàng Vietcombank, VPBank, MB cũng hé lộ thông tin về việc tiếp tục các bước nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém.
Thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết chủ trương chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt đã được trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các ngân hàng này gồm: Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Xây dựng Việt Nam (CBBank), Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Dầu khí Toàn cầu (GP Bank). Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc của hai ngân hàng.
Riêng với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được đặt vào kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại của SCB cùng Ban Kiểm soát đặc biệt SCB, Ngân hàng Nhà nước đang tìm kiếm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB theo quy định.
Đây là cơ sở để kỳ vọng sẽ có thêm nhiều hoạt động M&A hấp dẫn hơn nữa của ngành ngân hàng trong thời gian tới.