Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, bên cạnh sự nỗ lực tự thân ngành Tài chính, rất cần sự phối hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp.
Sẽ tham mưu lựa chọn công nghệ tốt
Hiện, Bộ Tài chính là bộ đầu tiên trong 22 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành văn bản định hướng về nghiên cứu, triển khai thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành từ năm 2018.
Đến nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Hiện Bộ Tài chính có 464 DVCTT mức độ 3,4, đạt tỷ lệ gần 60%. Trong đó, số DVCTT mức độ 3, 4 tích hợp trên Cổng Dịch vụ công (DVC) Quốc gia là 296 DVCTT, đạt tỷ lệ gần 64%.
Theo Bộ Tài chính, trên 99% doanh nghiệp trên toàn quốc đã dùng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử. Hệ thống hóa đơn điện tử, Etax-Mobile cũng đã được triển khai trên toàn quốc. Gần đây, ngành Thuế đã triển khai Cổng thông tin điện tử dành riêng cho nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế, tạo thuận lợi, bình đẳng, minh bạch trong đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế theo xu hướng quản lý thuế quốc tế. Dự kiến tới đây, ngành Thuế tiếp tục đưa Cổng dữ liệu thông tin thương mại điện tử tiếp nhận thông tin từ các sàn thương mại điện tử trong nước vào hoạt động.
Ông Nguyễn Đại Trí - Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trong đó, Bộ Tài chính chú trọng về chuyển đổi số ở 3 lĩnh vực gồm: Thuế, hải quan, kho bạc - là những lĩnh vực then chốt, có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội.
“Giải pháp quan trọng nhất là phải rà soát, nghiên cứu điều chỉnh cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ để phù hợp với giao dịch điện tử, đảm bảo đúng pháp luật, chặt chẽ. Khi đề cập đến ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), không thể không nói tới giải pháp về công nghệ. Với vai trò, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của Cục Tin học và Thống kê tài chính sẽ nghiên cứu, tìm hiểu, tham mưu cho lãnh đạo để chọn lựa những công nghệ tốt nhất, phù hợp nhất và có độ tin cậy nhất, an toàn nhất”, ông Nguyễn Đại Trí cho biết.
Theo Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, một trong những cái khó hiện nay chính là nguồn nhân lực. “Chúng tôi giữ người, giữ cán bộ có kinh nghiệm, năng lực khó. Tuyển dụng thì càng khó. Hơn nữa, hoạt động của ngành Tài chính đa ngành đa lĩnh vực, tiếp xúc với rất nhiều người dân, doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng ngân sách. Đối tượng rộng, phạm vi rộng thì trình độ nhận thức ứng dụng CNTT sẽ có sự khác nhau. Ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa, để tiếp cận được những ứng dụng CNTT, dịch vụ công dù đã được cải thiện nhưng còn khó khăn; hay thói quen của người dân, doanh nghiệp, của đơn vị sử dụng ngân sách là sử dụng phương pháp thủ công, giao dịch bằng hồ sơ giấy”, đại diện Bộ Tài chính chia sẻ.
Một thách thức lớn nữa theo lãnh đạo Bộ Tài chính là công nghệ. Công nghệ thay đổi từng ngày, nhanh chóng, trong khi đó trình tự thủ tục để triển khai một dự án CNTT cần nhiều thời gian. Thời gian trượt đi thì công nghệ thay đổi. Đấy là những thách thức mà Bộ Tài chính nhìn thấy và rất mong có sự điều chỉnh từ cơ chế chính sách chứ nếu chỉ một mình lực lượng làm CNTT thì khó có thể làm được.
Nếu làm tốt sẽ không bị thất thu thuế
“Việc chuyển đổi số đã làm thay đổi phương thức quản lý, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chuyển từ trạng thái cơ quan quản lý là người quản lý sang cơ chế phục vụ. Nếu cơ quan quản lý làm tốt, phục vụ tốt, hướng dẫn tốt, người nộp thuế kê khai đầy đủ, cơ quan thuế sẽ không thất thu thuế. Nếu cán bộ thuế không làm tốt, người nộp thuế làm sai, sẽ phải điều chỉnh”, GS TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết.
Theo GS TS Hoàng Văn Cường, để làm tốt hơn công tác quản lý trong thời gian tới, ngành Tài chính cần tiếp tục chuyển đổi số mạnh hơn và tiên phong hơn, phải kiểm soát tự động, nhận diện qua trí tuệ nhân tạo AI, giúp cán bộ, công chức ngồi một chỗ có thể kiểm soát tự động; sử dụng công nghệ Blockchain để quản lý được hàng hóa, bắt đầu ở nước ngoài, hàng hóa chưa vào Việt Nam đã biết được giá cả, chi phí, xuất xứ…
Theo ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Tổng cục Hải quan đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là hoàn thành hải quan số và đặt ra 3 nhiệm vụ trong giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, ngành Hải quan đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ hải quan, hoàn thành tái cấu trúc tổng thể hệ thống CNTT đáp ứng yêu cầu thực hiện chuyển đổi số trong triển khai Cơ chế một cửa Quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN; đảm bảo đồng bộ với chuyển đổi số nghiệp vụ hải quan, doanh nghiệp theo hướng số hóa và xử lý tập trung thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; triển khai mở rộng số lượng các thủ tục hành chính của các bộ, ngành; kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan hải quan với các bộ, ngành, các cơ quan chức năng thuộc và trực thuộc các bộ, ngành, các đơn vị quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh, các bên có liên quan.
Theo ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngành Thuế cũng đã xác định một số cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển ứng dụng CNTT theo định hướng chuyển đổi số, bao gồm: Cuộc chạy đua về “công nghệ số, chuyển đổi số” của các doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế số; thu thập, xây dựng, phân tích các dữ liệu; triển khai các giải pháp quản lý hoạt động thương mại trong nước và dịch vụ số xuyên biên giới theo hướng tập trung dữ liệu quản lý từ các sàn thương mại điện tử, nhà cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới; chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức nhà nước.
Việc thực hiện các bước chuyển đổi, từ Chính phủ điện tử sang định hướng Chính phủ số là một chương trình dài hạn, cần có sự đồng thuận, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, triển khai đồng bộ, có quy hoạch theo chiến lược của Chính phủ.