Theo đó, chương trình áp dụng cho các khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ có sử dụng gói tài khoản iBusiness (cá nhân kinh doanh) hoặc sBusiness (doanh nghiệp siêu nhỏ) của VIB.
Khi vay kinh doanh tại VIB, những khách hàng trên sẽ được giảm lãi suất đến 1%/năm nếu đáp ứng điều kiện tỷ lệ số dư tài khoản thanh toán trung bình 3 tháng gần nhất trên số tiền giải ngân từ 2,5% và giảm lãi suất đến 2%/năm nếu tỷ lệ số dư tài khoản thanh toán từ 5%.
Chương trình áp dụng cho các khoản vay giải ngân từ ngày 18/3/2023.
Với chương trình giảm lãi suất, VIB kỳ vọng giúp khách hàng tối ưu chi phí và kịp thời bổ sung nguồn vốn phục vụ cho các kế hoạch kinh doanh sắp tới, đồng thời, khuyến khích khách hàng giao dịch qua ngân hàng thường xuyên hơn.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng công bố gói tín dụng quy mô tới 100.000 tỷ đồng, áp dụng lãi suất ưu đãi từ 7,1%/năm cho khách hàng vay vốn kinh doanh với thời gian vay lên tới 12 tháng.
Hay như tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), khách hàng cá nhân nhận lương qua Vietcombank khi vay vốn sẽ được giảm lãi suất thêm 0,1%/năm so với lãi suất vay thông thường.
Vietcombank cũng áp dụng lãi suất cho vay thấp nhất từ 7,99%/năm cho khách hàng cá nhân vay mua bất động sản, mua xe ô tô, vay tiêu dùng… từ nay đến hết tháng 3/2024. Đây là mức lãi suất vay vốn trong 6 tháng đầu tiên với khoản vay có thời hạn cho vay từ 12 tháng trở xuống.
Đối với khoản vay tương tự có thời hạn cho vay từ trên 12 tháng đến 24 tháng hoặc khoản vay trên 24 tháng, lãi suất áp dụng trong 6 tháng đầu tiên lần lượt từ 8,99%/năm và 10,2%/năm...
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi phát sinh mới của các ngân hàng thương mại đang ở mức khoảng 6,7%/năm và lãi suất cho vay phát sinh mới khoảng 9,4%/năm. Trong đó nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất tiền gửi và cho vay.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam (hiện ở mức 5,5%/năm) của tổ chức tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao).
Ngân hàng Nhà nước cũng nhiều lần khẳng định đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân phục hồi sản xuất kinh doanh.