Lãi suất cao nhất 8,8%
Nhìn mặt bằng chung, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng vẫn cao, cao nhất là từ 8,5% - 8,8%/năm. Tuy nhiên, muốn hưởng được mức lãi suất cao, khách hàng phải gửi từ 5 tỷ đồng trở lên.
Đi đầu trong giảm lãi suất huy động phải kể đến nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước: Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV. Theo đó, đầu tháng 5, nhóm ngân hàng này đã giảm 0,2 - 0,3 điểm % ở các kỳ hạn 1 - 5 tháng. Riêng Agribank còn giảm lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống còn 7%/năm, cũng là mức lãi suất thấp nhất hiện nay ở kỳ hạn này.
Bên cạnh nhóm ngân hàng lớn, nhiều ngân hàng vừa và nhỏ cũng mạnh tay giảm lãi suất huy động. Mới đây nhất, ngân hàng ACB công bố giảm lãi suất huy động xuống 0,2 điểm % ở các kỳ hạn.
Theo đó, lãi suất cao nhất mà ngân hàng này áp dụng cho khách hàng tại kỳ hạn 6 tháng giảm từ 7,6%/năm xuống còn 7,4%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm từ 7,65%/năm xuống 7,45%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 7,7%/năm xuống còn 7,5%/năm. Điều kiện để được hưởng mức lãi suất trên là khách hàng phải gửi số tiền tối thiểu 5 tỷ đồng. Với số tiền gửi nhỏ hơn 5 tỷ, lãi suất áp dụng thấp hơn từ 0,1 - 0,5 điểm %.
Ngày 20/5, ABBank cũng thông báo giảm 0,1 - 0,3 điểm % lãi suất tiết kiệm tại quầy, trong khi hầu như không thay đổi biểu lãi suất tiết kiệm online.
Trước đó, ngày 19/5, VPBank cũng áp dụng biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân, giảm 0,2% các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Theo đó, lãi suất huy động cao nhất kỳ hạn 6 tháng đến 13 tháng của ngân hàng đều giảm từ 8%/năm xuống 7,8%/năm. Đây là mức lãi suất áp dụng cho khách hàng có tiền gửi online từ 10 tỷ đồng trở lên. Khách hàng có tiền gửi dưới 10 tỷ sẽ có lãi suất thấp hơn 0,1 điểm %.
Đồng thời, VPBank cũng điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 36 tháng từ 7,2%/năm xuống 7%/năm. Trong khi ngân hàng giữ nguyên lãi suất kỳ hạn 1 - 5 tháng là 5,5%/năm. Đây là đợt giảm lãi suất lần thứ hai của VPBank kể từ đầu tháng 5. Cách đây hơn 1 tuần, ngân hàng này cũng đã giảm 0,2 điểm % ở loạt kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Tại Sacombank, từ ngày 17/5, ngân hàng giảm 0,1 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn 1 - 2 tháng; đồng thời giảm 0,2 - 0,5 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện lãi suất tiền gửi cao nhất tại ngân hàng này đã giảm về còn 7,9%/năm, từ mức 8,2%/năm trước đó.
Techcombank cũng giảm 0,2 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên từ ngày 10/5. Hiện mức lãi suất cao nhất đang được Techcombank áp dụng là 7,6%, áp dụng từ 3 tỷ trở lên.
Trong khi đó, HDBank giảm thêm 0,3 điểm % tại các kỳ hạn 6, 12 và 13 tháng từ ngày 9/5. Hiện mức lãi suất cao nhất được HDBank áp dụng là 8,7% dành cho kỳ hạn 13 tháng.
Tương tự, NCB, OceanBank, MSB, Saigonbank cũng đã giảm lãi suất với mức điều chỉnh phổ biến là 0,2 điểm %. Còn Kienlongbank thay đổi biểu lãi suất huy động và giảm 0,4 điểm % ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Hiện những ngân hàng có lãi suất cao nhất trên thị trường vẫn là các ngân hàng nhỏ như ABBank, VietABank, GPBank, BaoVietBank, BacABank… với lãi suất niêm yết cao nhất từ 8,5%/năm trở lên.
Trong đó, ABBank có lãi suất cao nhất thị trường với 8,8%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng. Mức lãi suất cao tiếp theo được ghi nhận là 8,7%/năm tại VietABank, kỳ hạn 12 tháng tiết kiệm trực tuyến.
Chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng nhỏ và ngân hàng lớn hiện nay khá đáng kể. Điển hình như tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của một số ngân hàng nhỏ là 8,5 - 8,8%/năm, trong khi đó những ngân hàng tư nhân lớn chỉ 7,5 - 7,8%/năm.
Kỳ vọng giảm 1 điểm % trong năm 2023
Theo các chuyên gia kinh tế - tài chính, việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động là do nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc, thị trường bất động sản ảm đạm. Bên cạnh đó, Chính phủ hiện đang thúc đẩy đầu tư công, qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Mặt khác, trong thời gian tới NHNN có thể giảm thêm lãi suất điều hành nếu FED đảo chiều chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2023.
Các chuyên gia kinh tế - tài chính kỳ vọng, với nguyên nhân trên, dự báo mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng sẽ giảm về quanh ngưỡng 7% và dự báo trong năm 2023, lãi suất huy động sẽ giảm khoảng 1 điểm %.
Bàn thêm về vấn đề này, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nêu 5 kiến nghị gửi NHNN liên quan đến lãi suất, vốn lưu động cho doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi thị trường, ổn định trái phiếu và kiểm soát ngân hàng…
Theo ông Phan Văn Mãi, mặc dù những tháng đầu năm 2023, chỉ số kinh tế - xã hội tại TP Hồ Chí Minh có chiều hướng tích cực, tăng trưởng tín dụng tháng 4 có sự cải thiện so với 3 tháng đầu năm, tuy nhiên vẫn còn ghi nhận những tồn tại hạn chế.
Cụ thể, trong tháng 4, TP Hồ Chí Minh ghi nhận có 1.207 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,13% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng gần 24% so với cùng kỳ với gần 15.000 doanh nghiệp và chỉ có hơn 5.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 26% so với cùng kỳ. Qua đó cho thấy, tình hình sức khỏe của lực lượng doanh nghiệp, một bộ phận quan trọng đối sự phát kinh tế xã hội của thành phố đã có sự giảm sút.
"Qua nhiều lần làm việc trong các tháng đầu năm với Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, chúng tôi ghi nhận tóm lại 5 vấn đề doanh nghiệp phản ánh rất khó khăn. Thứ nhất, gần 50% số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, không có nhu cầu, không có thị trường, không hiệu quả. Thứ 2, một bộ phận có nhu cầu vốn lưu động để giải quyết yêu cầu thanh toán ngắn hạn, đảm bảo thanh khoản.
Thứ 3, nhiều doanh nghiệp trong kinh doanh có kế hoạch thanh toán đến hạn nhưng gặp khó khăn do hàng hóa không bán được. Thứ 4, có các chương trình ưu đãi vốn nhưng doanh nghiệp ngại các gói ưu đãi một mặt do yêu cầu kinh doanh, một mặt ngại các vấn đề liên quan yêu cầu của cơ quan chức năng. Thứ 5, đối với bất động sản, ngoài những vấn đề đã nhận diện, người vay mua nhà vẫn ngại vay và vẫn mong muốn có chính sách ưu đãi để vay được yên tâm hơn. Đây là các vấn đề cần nhận diện để có chính sách tháo gỡ", ông Phan Văn Mãi nhận định
Theo đó, ông Phan Văn Mãi kiến nghị NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời hiệu quả, phát huy nguồn vốn tín dụng ưu tiên, giảm lãi suất nhằm hướng tới giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời, mong muốn lãi suất sẽ giảm về mức 7 - 8% để giải quyết vốn lưu động cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị ngân hàng tiếp tục nghiên cứu kéo dài chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua giãn hoãn, khoanh nợ xấu với trường hợp khó khăn chậm thanh toán. Đối với các khoản vay mới, đề nghị các ngân hàng nghiên cứu các điều kiện phù hợp, hướng đến không siết tín dụng, xem xét đánh giá trên tỷ lệ thế chấp phù hợp. Với doanh nghiệp có đơn hàng, đề nghị áp dụng vay tín chấp.
Ngoài ra, ngành ngân hàng nên tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm giải quyết khó khăn, tháo gỡ cho thị trường bất động sản, đẩy mạnh tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2023; tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận lại thị trường, phục hồi thị trường, thêm thị trường mới.
Trong tín dụng tiêu dùng, ông Phan Văn Mãi đề nghị cho vay nhà ở xã hội, công nhân, cho vay cải tạo chung cư cũ và hỗ trợ lãi suất cho người vay mua nhà; bởi như đánh giá, có nhiều dự án bất động sản đủ điều kiện cho người mua nhưng vẫn dè dặt chờ tín dụng hỗ trợ.
TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị NHNN theo dõi giúp đỡ để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, sẵn sàng nhận thí điểm các cơ chế mới thuộc lĩnh vực ngân hàng.