Ngân hàng Nhà nước cho biết, những năm qua đã tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn ngừa, xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo, cho vay, đầu tư không đúng quy định cùng với quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, ngăn ngừa, xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo, cho vay, đầu tư không đúng quy định. Theo đó, sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng từng bước được xử lý, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng đã được hạn chế.
Theo Ngân hàng Nhà nước, sở hữu cổ phần vượt giới hạn, sở hữu chéo giữa tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp theo báo cáo của tổ chức tín dụng qua xử lý đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước đây; cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định chủ yếu còn tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cần tiếp tục chỉ đạo xử lý nhằm tập trung vốn cho hoạt động kinh doanh chính và sử dụng vốn có hiệu quả hơn.
Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, tình trạng sở hữu này đã giảm, khắc phục được tình trạng sở hữu cổ phần của ngân hàng thương mại tại tổ chức tín dụng khác vượt tỷ lệ quy định trên 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác...
Tuy nhiên, việc xử lý tình trạng sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao tính, chi phối trong các tổ chức tín dụng vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đó, sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo vẫn còn khó ngăn ngừa khi cổ đông lớn và nhóm cổ đông cố tình che giấu, nhờ người hoặc tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định dẫn tới tổ chức tín dụng có thể bị chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch.
Cùng với đó, việc phát hiện mối liên quan giữa các doanh nghiệp còn hạn chế do thông tin để xác định danh tính liên quan sở hữu của doanh nghiệp, nhất là đơn vị không phải công ty đại chúng. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước không chủ động được trong việc tra cứu thông tin cũng như xác định được độ chính xác, tin cậy của các nguồn thông tin, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán, công nghệ phát triển nhanh như hiện nay.
Để ngăn ngừa, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ thanh tra chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu của các tổ chức tín dụng có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối; cấp tín dụng với nhóm khách hàng lớn, tập trung tín dụng vào bất động sản; cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông lớn.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giám sát an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, thông qua thanh tra về vốn, tình hình sở hữ cổ phần của các tổ chức tín dụng, họa động cho vay, đầu tư, góp vốn... trường hợp phát hiện rủi ro, vi phạm sẽ xử lý.