Theo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các tổ chức tín dụng, tích cực tham gia hỗ trợ, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và dành nguồn lực để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng vay gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Về tăng vốn điều lệ đối với các ngân hàng thương mại Nhà nước, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại nhà nước triển khai các phương án bổ sung vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính.
Theo đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ; Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 10.824 tỷ đồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án; Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận còn lại năm 2019, tổng vốn điều lệ tăng thêm là 10.237 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018 - 2020, tổng số vốn điều lệ tăng thêm là 10.365 tỷ đồng.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước.
Đối với việc tăng vốn điều lệ của BIDV, Vietcombank, VietinBank, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến về việc phân phối lợi nhuận năm 2021 để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng này.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần về cơ bản đều bám sát phương án được duyệt, tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động.
Về tăng vốn đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 15 ngân hàng thương mại cổ phần; trong đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các Quỹ dự trữ).
Đối với các ngân hàng yếu kém, các ngân hàng mua bắt buộc, trên cơ sở phê duyệt của cấp có thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước đã và đang chỉ đạo các ngân hàng này khẩn trương hoàn thiện phương án cơ cấu lại; đồng thời, tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng đang tích cực triển khai phương án cơ cấu lại đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thích ứng kịp thời với thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng ở các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.