TTCK chiều 24/10: Tiếp tục ‘mò’ đáy khi VN-Index giảm hơn 33 điểm

Sau khi thủng mốc 1.000 điểm trong phiên sáng, thị trường tiếp tục “mò đáy” cùng với các chỉ số chính trên thị trường suy yếu. VN-Index tiếp tục nới rộng mức giảm lên hơn 33 điểm và xuống ở mức 986 điểm; HNX-Index giảm gần 8 điểm, xuống mức 209 điểm.

Chú thích ảnh
Chỉ số VN-Index giảm xuống 986 điểm khi bốc hơi hơn 33 điểm.

Toàn thị trường có hơn 700 mã giảm giá, với gần 250 mã giảm sàn, chỉ còn khoảng 140 mã tăng điểm. Trong đó, VHM, BID, SAB, VNM, TCB, MWG, GVR, VRE, CTG, FPT là những mã cổ phiếu giảm mạnh nhất, đóng góp cho thị trường giảm hơn 16 điểm. Tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu toàn thị trường đạt gần 774 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị trên 13,7 ngàn tỷ đồng.

Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán, mặc dù GDP tăng, nhưng thị trường vẫn giảm điểm và chưa có dấu hiệu dừng lại, là có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân là cổ phiếu của các doanh nghiệp vốn hoá trên 1 tỷ USD đang ngày càng giảm mạnh, theo đó sức hút và lực đỡ cho thị trường cũng ngày càng yếu đi.

Tính theo số liệu chốt ngày 21/10, trên cả ba sàn HoSE, HNX, UPCom có tổng cộng 42 doanh nghiệp vốn hóa trên 1 tỷ USD (trên 24.560 tỷ đồng), giảm 22 doanh nghiệp so với thời điểm đầu tháng 4 và hụt 17 doanh nghiệp so với đầu năm 2022. Danh sách tạm "chia tay" cột mốc tỷ đô vốn hóa có những cái tên đáng chú ý, gồm có Đạm Phú Mỹ (DPM), Khang Điền (KDH), Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB), PV Power (POW), Vefac (VEF)... Thậm chí, sàn HNX cũng “sạch bóng” không còn đại diện nào trong danh sách này sau khi đại diện cuối là KSFinance (KSF) rời nhóm.

Như vậy, tổng vốn hóa của 42 doanh nghiệp "tỷ đô" hiện lên tới hơn 3,6 triệu tỷ đồng, tương ứng 148 tỷ USD, giảm mạnh 96 tỷ USD so với hồi đầu năm; so với tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam là 4,37 triệu tỷ đồng thì quy mô vốn hóa 42 doanh nghiệp tỷ đô này chiếm tới 83%.

Xét về sự phân bổ của các sàn, trong số 42 doanh nghiệp tỷ USD hiện tại có đến 34 đại diện đang niêm yết trên sàn HoSE. So với thời điểm 6 tháng trước, danh sách doanh nghiệp tỷ USD trên HoSE đã mất đi 15 cái tên.

Tương tự, thời kỳ đỉnh cao, UpCOM cũng từng đóng góp đến 12 đại diện trong câu lạc bộ tỷ USD vốn hóa. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, 4 cái tên gồm VEF, FPT Telecom (FOX), Masan MeatLife (MML), Masan High-Tech Materials (MSR) đã rời nhóm. Danh sách tỷ USD vốn hóa trên sàn này chỉ còn lại 8 cái tên, gồm 6 doanh nghiệp có vốn nhà nước và 2 doanh nghiệp tư nhân là Masan Consumer (MCH) và Sunshine Homes (SSH).

Ngoài nguyên nhân chính là thị giá cổ phiếu giảm mạnh trong bối cảnh thị trường không thuận lợi, yếu tố đồng VND mất giá so với đồng USD cũng khiến nhiều số lượng thành viên trong CLB tỷ đô vốn hoá giảm bớt. Mức vốn hoá quy đổi từ VND sang USD sụt giảm đáng kể so với thời kỳ trước (từ khoảng 23.000 VND/USD, hiện đã lên sát ngưỡng 25.000 đồng/USD). Từ đây, nhiều doanh nghiệp phải "tạm xa" danh sách, tiêu biểu như Chứng khoán SSI, vốn hoá hiện đạt 24.156 tỷ đồng nhưng chỉ tương đương 0,98 tỷ USD.

Nguyên nhân thứ hai là dòng tiền nhà đầu tư mới đã dần rút khỏi thị trường khi nền kinh tế đang ngày hồi phục. Bên cạnh đó, TTCK cũng phải đối mặt với tình hình lạm phát liên tục leo thang sau quá trình bơm tiền khiến Fed và các NHTW trên thế giới buộc phải thắt chặt tiền tệ và đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất.

Điều này đồng nghĩa, thời kỳ tiền rẻ kết thúc kéo theo một lượng tiền không nhỏ rút ra khỏi chứng khoán để quay trở lại sản xuất kinh doanh hoặc chuyển dịch sang kênh đầu tư khác, trong khi đó định giá các tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu kém hấp dẫn hơn khi lãi suất tăng. Đây là một phần nguyên nhân khiến TTCK sụt giảm trong khi GDP vẫn tăng trưởng cao trên nền so sánh thấp cùng kỳ.

Nguyên nhân thứ  ba cũng không kém phần quan trọng, bên cạnh việc thiếu vắng các doanh nghiệp tỷ đô, phần lớn là doanh nghiệp FDI thì cơ cấu của TTCK Việt Nam cũng không thật sự đa dạng khi tập trung chủ yếu vào nhóm ngân hàng và bất động sản với tỷ trọng lần lượt 30,3% và 23,3%. Riêng nhóm 30 cổ phiếu lớn nhất thị trường (VN30) đã có 10 cổ phiếu ngân hàng và 6 cổ phiếu bất động sản.

Các cổ phiếu nhóm này có P/E (giá cổ phiếu trên thị trường) và lãi thu được trên một cổ phiếu (EPS) thấp nhờ lợi nhuận tăng mạnh, thậm chí đột biến vào cuối chu kỳ với đại diện tiêu biểu là HPG với P/E chỉ 3,6 lần nhưng vẫn miệt mài dò đáy. Trong khi đó, các cổ phiếu ít tính chu kỳ thuộc nhóm bán lẻ, công nghệ, tiện ích... lại đang không hề "rẻ" với P/E trailing vào khoảng từ 16 - 21 lần. Nhóm này thực tế chỉ chiếm thiểu số với tỷ trọng nhỏ hơn nhiều so với nhóm chu kỳ kể trên.

Điều này khiến P/E của VN-Index thường xuyên duy trì ở mức thấp, tuy nhiên khó có thể cho rằng định giá của chứng khoán Việt Nam thật sự rẻ. Đáng chú ý, cứ sau mỗi lần tạo đỉnh, con số này lại thấp hơn so với đỉnh trước.

Nguyên nhân thứ tư có ảnh hưởng lớn đến diễn biến TTCK lại phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng. Đây là hoạt động mang lại thu nhập chính cho các ngân hàng thương mại tại Việt Nam và cũng là kênh huy động vốn chủ yếu của hầu hết các doanh nghiệp bất động sản. Mới đây, Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) đã phát đi những tín hiệu thận trọng trước những biến động và rủi ro có thể xảy ra, khi Fed chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào cuối năm nay; USD tăng giá mạnh gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam và áp lực lạm phát.

VNDirect dự báo, tổng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt gần 13% vào cuối năm và ít có khả năng các ngân hàng thương mại được nhận thêm hạn mức tín dụng từ giờ cho đến hết năm 2022 khi mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô.

Trong bối cảnh rất khó để có thêm những đợt nới room với chính sách siết chặt tiền tệ như hiện nay, cổ phiếu ngân hàng và bất động sản được dự báo còn gặp không ít khó khăn và điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến VN-Index. Vì thế, chứng khoán rất có thể sẽ lại tiếp tục lệch pha với nền kinh tế khi GDP được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng cao ít nhất là đến hết năm nay.

Hải Yên/Báo Tin tức
TTCK sáng 24/10: VN-Index đâm thủng mốc 1.000 điểm
TTCK sáng 24/10: VN-Index đâm thủng mốc 1.000 điểm

Mở cửa phiên giao dịch sáng 24/10, TTCK tăng điểm xanh nhẹ. Thế nhưng, trước sự thận trọng của nhà đầu tư, các chỉ số chính nhanh chóng quay đầu giảm điểm ngay sau đó. Càng về cuối phiên, chỉ số VN-Index giảm càng mạnh và đâm thủng mốc 1.000 điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN