Theo Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã tăng tốc mạnh hơn lên 5,33% so với cùng kỳ trong quý III/2023, từ mức 4,14% so với cùng kỳ trong quý II/2023. Mức tăng trưởng này được hỗ trợ từ sự cải thiện trong hoạt động xuất nhập khẩu thương mại, sản xuất và tiêu dùng nội địa, sau khi gặp khó khăn trong nửa đầu năm 2023.
Dữ liệu công bố trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 11 một lần nữa khẳng định các hoạt động kinh tế đã ổn định và trong một số lĩnh vực được cải thiện rõ rệt so với nửa đầu năm. Sản lượng sản xuất đã tăng tốc không ngừng kể từ khi ghi nhận mức âm vào tháng 5, cho thấy động lực tăng trưởng của ngành có thể sẽ kéo dài đến năm 2024.
Các chuyên gia của UOB kỳ vọng động lực từ quý III/2023 sẽ được tiếp tục trong quý cuối cùng của năm, đặc biệt là với nhiều chính sách hỗ trợ trong nước. UOB duy trì dự báo tăng trưởng cả năm 2023 của Việt Nam ở mức 5%, với giả định tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trong quý IV/2023 sẽ tăng lên 7% so với cùng kỳ năm trước
Với tốc độ của các hoạt động kinh tế đang được cải thiện và tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống dưới mức mục tiêu, UOB cho rằng, khả năng cắt giảm lãi suất tiếp theo đã giảm xuống. Thực tế, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%, thay vì dự báo cắt giảm 100 điểm cơ bản trước đó.
Về vấn đề ngoại hối, các chuyên gia của UOB dự báo tỷ giá cập nhật của UOB là 24.000 VND/USD trong quý I/2024; 23.800 VND/USD trong quý II/2024; 23.600 VND/USD trong quý III/2024 và 23.500 VND/USD trong quý cuối cùng của năm 2024.
Không chỉ riêng UOB, trong báo cáo mới đây của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu Ngân hàng HSBC cũng cho rằng, mặc dù cần lưu tâm đến các rủi ro tăng giá như giá thực phẩm và năng lượng, song Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5% trong cả năm 2024 để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng, phục hồi.
Theo HSBC, các dấu hiệu tích cực như lạm phát có vẻ trong tầm kiểm soát và triển vọng kinh tế, đặc biệt trên phương diện bên ngoài đang có sự ổn định nhất định. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rủi ro tăng giá đã hoàn toàn biến mất. Việc tăng giá điện 4,5% trong tháng 11 nhằm giải quyết tình trạng sụt giảm sản lượng thủy điện do hiện tượng El Nino sẽ thể hiện trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chậm một tháng.
Ngoài ra, HSBC cũng lưu ý cần thận trọng về triển vọng thương mại, vì nhu cầu hàng hóa ở các đối tác thương mại lớn vẫn còn nhiều khó khăn, dù các dữ liệu gần đây cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang có những dấu hiệu ổn định và đáng khích lệ. Thực tế, chỉ số sản xuất PMI đã tiếp tục giảm xuống còn 47,3 trong tháng 11; trong đó cả sản lượng lẫn đơn hàng mới đều thu hẹp…