Theo tờ trình về kế hoạch tăng vốn, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm 27.5 tỷ đồng. Nếu thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm 58,4%, từ hơn 47.325 tỷ đồng lên hơn 75.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống, vượt qua mức 67.000 tỷ đồng của "quán quân" vốn điều lệ hiện tại là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB).
Thời gian phát hành cũng được ngân hàng điều chỉnh dự kiến trong năm 2023, 2024, thời điểm cụ thể giao cho Hội đồng quản trị quyết định sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Vietcombank cho biết vốn điều lệ tăng thêm sẽ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh như: đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ; xây dựng trụ sở làm việc, mở rộng mạng lưới; đầu tư cho quá trình chuyển đổi số; mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn; đảm bảo nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém...
Cùng với kế hoạch tăng vốn, Đại hội đồng cổ đông bất thường của Vietcombank còn thông qua việc bầu bổ sung ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank vào Hội đồng quản trị Vietcombank nhiệm kỳ 2018 - 2023. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị được bầu bổ sung là thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2018 - 2023.
Ông Nguyễn Thanh Tùng sinh năm 1974, là cử nhân Kinh tế Ngoại thương , Đại học Ngoại thương và cử nhân Tiếng Anh, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Ông Nguyễn Thanh Tùng từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Vietcombank như Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Bán buôn, Giám đốc Ban Khách hàng Doanh nghiệp Trụ sở chính, Giám đốc chi nhánh Tây Hồ...
Kết thúc năm 2022, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39% so với năm 2021 và đạt 119% kế hoạch năm 2022. Trước đó, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng tối thiểu 12% so với kết quả năm 2021, tức khoảng hơn 30.675 tỷ đồng.
Huy động vốn thị trường I (từ dân cư và tổ chức) đạt 1,26 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2021, đạt 100% kế hoạch năm 2022. Tín dụng tăng trưởng vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021, kiểm soát trong tỷ lệ tăng trưởng được Ngân hàng Nhà nước giao.
Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 0,67% tương đương với 7.662 tỷ đồng. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt 465%, mức cao nhất hệ thống ngân hàng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/1, giá cổ phiếu VCB ở mức 89.900 đồng/cổ phiếu.