Xung đột Nga - Ukraine: Cổ phiếu một số ngành dầu khí, thép và phân bón có thể hưởng lợi?

Theo nhận định của một số chuyên gia tài chính, giá cổ phiếu một số ngành sẽ được hưởng lợi là dầu khí, phân bón và thép từ diễn biến căng thăng leo thang giữa Nga – Ukraine.

Chú thích ảnh
Một số chuyên gia chứng khoán dự báo: Dòng tiền giải ngân vào thị trường có thể lớn dần từ cuối quý 2/2022, dự kiến VN-Index năm nay có thể tăng trưởng 20% và lên 1.800 điểm. 

Trong phiên sáng 1/3, nhóm cổ phiếu thép cũng được xem là điểm nhấn gây sự chú ý khi giá phôi thép cho dấu hiệu tăng tốc thời gian gần đây với NKG, HSG, HPG nằm trong Top những mã giao dịch sôi động nhất HoSE. Trong đó, HPG chỉ nhích +0,4%; HSG +3,4% lên 39.650 đồng/cổ phiếu, khớp 16,2 triệu đơn vị;  NKG +4,1% lên 45.950 đồng/cổ phiếu dù có thời điểm tăng trần, khớp 11,1 triệu đơn vị; TLH +2% lên 20.450 đồng/cổ phiếu; SMC +1,1%; PIM +0,7%. 

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu dầu khí đều giảm điểm; nhóm phân bón, than cũng đang chịu áp lực chốt lời sau các phiên tăng mạnh trước đó. Theo đó chỉ có lác đác vài cổ phiếu tăng điểm như: PVT, PXS, CNG, trong khi PVD đứng tham chiếu, còn lại đều chìm trong sắc đỏ.

Tạm kết thúc phiên sáng 1/3, sàn HoSE có 235 mã tăng và 204 mã giảm, VN-Index tăng 7,99 điểm (+0,54%), lên 1.498,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 508 triệu đơn vị, giá trị 15.630,1 tỷ đồng, tăng 22% về khối lượng và 17% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 14,3 triệu đơn vị, giá trị 397,2 tỷ đồng.

Sàn HNX có 107 mã tăng và 104 mã giảm, HNX-Index tăng 2, điểm (+0,54%), lên 442,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 73,88 triệu đơn vị, giá trị 2.198,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,34 triệu đơn vị, giá trị 47,6 tỷ đồng.

Báo cáo mới nhất của Khối Phân tích - Công ty Cổ phần Chứng khoán VnDirect cho rằng: “Tình hình căng thẳng Nga-Ukraine có thể sớm đạt đỉnh và hạ nhiệt. VnDirect đánh giá tác động trực tiếp của xung đột Nga - Ukraine đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ không lớn. Giao thương giữa Việt Nam với Nga và Ukraine hiện chỉ chiếm khoảng 0,9% tổng giá trị xuất nhập khẩu và hai nước trên cũng không phải là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn tại Việt Nam”. 

Theo VnDirect, giá dầu và phân đạm có thể neo ở mức cao do cuộc xung đột Nga - Ukraine Theo đó, dầu Brent dự kiến đạt đỉnh ở vùng giá quanh 105 - 110 USD/thùng sau đó sẽ dần hạ nhiệt và ổn định quanh mức 90 USD/thùng trong một vài tháng tới nhờ nguồn cung bổ sung tiềm năng đến từ Mỹ, Iran và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Nga hiện là nước xuất khẩu phân đạm, NPK hàng đầu thế giới. Dưới tác động của các lệnh trừng phạt và việc Nga áp dụng hạn ngạch xuất khẩu để phòng vệ, giá phân bón dự kiến “leo thang” năm 2022. 

“‘Trong nguy có cơ’, một số ngành được hưởng lợi với mặt bằng giá dầu được dự báo neo cao trong thời gian tới. Nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước sẽ không chỉ được hưởng lợi trong ngắn hạn, mà triển vọng dài hạn cũng sẽ được củng cố hơn khi giá dầu cao sẽ thúc đẩy các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp ngành thép, phân bón có thể được hưởng lợi từ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do Nga và Ukraine là những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, khiến giá bán neo cao và nhu cầu xuất khẩu gia tăng”, đại diện VnDirect cho biết. 

Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), diễn biến xung đột Nga – Ukraine đang là thông tin thu hút sự chú ý và thị trường rất khó kỳ vọng có nhịp tăng mạnh trong ngắn hạn. Thị trường tiếp tục dự báo vận động khoảng 1.485 - 1.515 điểm trong tuần này và không loại trừ còn những nhịp rung lắc mạnh. Tuy nhiên, báo cáo BSC mới đây cho thấy, trong một chiến dịch quân sự tương tự của Nga trong quá khứ, thị trường chứng khoán Việt Nam gần như đứng ngoài ảnh hưởng của diễn biến này.

Phía BSC khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu DPM và DCM, nhờ kỳ vọng sản lượng xuất khẩu phân bón tăng cùng giá bán tiếp tục duy trì ở mức cao. Đối với ngành thép, Nga đang xếp thứ 2 về xuất khẩu thép vào EU (Sau Thổ Nhĩ Kỳ), chiếm tỷ trọng khoảng 14,1% đối với thép dẹt và 19% đối với thép dài. Tỷ trọng xuất khẩu vào EU của một số bên liên quan như Ukraine là 8% thép dẹt và 7,4% thép dài, với Belarus là 14,4% thép dài, với Trung Quốc là 5,7% thép dẹt và 5,8% thép dài.

Theo BSC, nếu lượng xuất khẩu này bị cắt giảm do cấm vận thì sẽ tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu khác vào thị trường này, đặc biệt với nhóm tôn mạ hiện đang xuất nhiều sang thị trường này (NKG, HSG). Hiện HPG không xuất nhiều thép xây dựng sang EU. BSC có quan điểm khả quan đối với cổ phiếu của các công ty xuất khẩu thép lớn, đặc biệt là nhóm tôn mạ có xuất khẩu vào EU như NKG, HSG, do có thể hưởng lợi nếu EU cắt giảm nhập khẩu thép từ Nga và Belarus, Ukraine không duy trì sản xuất được do chiến tranh. “Điểm cần lưu ý là EU vẫn áp hạn ngạch nhập khẩu (> 3% sẽ tăng bước thuế) lên các quốc gia xuất khẩu vào đây và Việt Nam đang chiếm tỷ trọng 2% nhập khẩu thép dẹt của khối này”, các chuyên gia của BSC cho biết.

Tin, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Chứng khoán ngày 28/2: Nhóm cổ phiếu thép, vật liệu xây dựng tăng trở lại 
Chứng khoán ngày 28/2: Nhóm cổ phiếu thép, vật liệu xây dựng tăng trở lại 

Phiên giao dịch hôm nay (28/2) chứng kiến áp lực bán mạnh của các bluechip từ đầu phiên. Điều này đã tạo lực cản khiến VN-Index không đứng vững, về sát mốc 1.490 điểm. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN