Khi TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo yêu cầu “ai ở đâu yên ở đó”, sau những đợt giãn cách trước đó bởi dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, trong thành phố đã xuất hiện màu áo xanh của những người lính. Trong lần giãn cách này (từ 23/8 đến 15/9) sẽ có trên 58.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân thường trực hỗ trợ địa phương phòng, chống dịch.
Hành trang của họ khi vào tâm dịch, cũng như khi lên đường tham gia một “trận đánh”: ba lô trên vai với những vật dụng thiết yếu, gọn nhẹ của người lính. Nhưng hành trang được họ gói ghém cẩn thận nhất, chính là ý chí và tấm lòng nhiệt huyết để có thể giúp đỡ nhân dân, sẵn sàng làm bất cứ việc gì để có thể giúp dân trong những ngày dịch bệnh đầy khó khăn.
Thế nên, trong những ngày qua, trên đường phố ở TP Hồ Chí Minh, có thể bắt gặp hình ảnh các anh bộ đội cùng các lực lượng đi giao hàng hay phát quà an sinh. Họ cũng phân loại thực phẩm, nhặt rau củ… rồi tự tay đưa tới tận nhà những lao động nghèo trong khu phong toả, những khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân. Xe vận chuyển lương thực, thực phẩm không thể tới những khu nhà trong hẻm nhỏ, các anh bộ đội đã mang vác, đi bộ với gói thực phẩm trên tay, trên vai.
Không chỉ chăm lo cho dân với những việc thường ngày như thế, các chiến sĩ còn phối hợp với các lực lượng khác lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, tổ chức tuần tra, chốt chặn tại các chốt kiểm soát; hướng dẫn, tuyên truyền để người dân thực hiện tốt việc giãn cách… Có những chiến sĩ được giao nhiệm vụ chăm sóc các F0 tại nhà, dọn dẹp khu cách ly.
Không chỉ ở TP Hồ Chí Minh, mà tại các tỉnh, thành phố khác, màu áo chú bộ đội cũng đã xuất hiện trên các khu phố, điểm dân cư. Như tại TP Nha Trang (Khánh Hoà), lực lượng quân đội cũng hỗ trợ truy vết, lấy mẫu tầm soát COVID-19 trong cộng đồng; tham gia chốt chặn, tuần tra kiểm soát để không để xảy ra tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”. Các anh bộ đội cũng vận chuyển lương thực, thực phẩm cho người dân trong các khu vực bị phong tỏa.
Hay như ở Long An, một trong những tỉnh đang là “điểm nóng” của dịch bệnh ở khu vực phía Nam, từ khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, các cán bộ, chiến sĩ trong tỉnh đẩy mạnh tăng gia sản xuất kết hợp vận động sự hỗ trợ của doanh nghiệp, nhà hảo tâm tổ chức các phiên chợ, gian hàng, chuyến xe 0 đồng, thiết lập đường dây nóng tiếp nhận cuộc gọi cần giúp đỡ của người dân. Một người bán hàng rong đang ở cùng con trai và cháu ngoại còn nhỏ tuổi đã mừng vui biết bao, cảm động biết bao vì sau khi gọi điện đến đường dây nóng của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thủ Thừa đã được các chú bộ đội mang gạo, sữa đến tận nơi để hỗ trợ. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, trong lúc khốn khó, sự giúp đỡ kịp thời ấy của lực lượng quân đội đã làm ấm lòng người dân vùng dịch.
Bằng những việc làm thiết thực, gần gũi, hình ảnh các anh bộ đội tại các khu dân cư, chốt kiểm soát, tại ngõ phố, nhà dân đã khiến nhiều người xúc động. Người dân thấy được chia sẻ, thêm phần an yên trong những ngày khó khăn. Còn các lực lượng tuyến đầu chống dịch như y, bác sĩ, công an,… cũng có thêm nguồn lực hỗ trợ, khi mà áp lực về truy vết, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 vẫn còn đang nhân lên.
Thực tế, không phải bây giờ lực lượng quân đội mới sát cánh cùng lực lượng tuyến đầu, giúp dân chống dịch. Từ khi dịch bùng phát, ở các tuyến biên giới, lực lượng bộ đội biên phòng là “lá chắn thép” chống dịch, ngày đêm ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép. Hình ảnh những người lính ăn vội bữa cơm, ngủ không tròn giấc trong những căn lều dã chiến đã khiến trái tim nhiều người dân lay động. Hoặc khi nông sản dồn ứ trên cánh đồng, không có người thu hoạch đang trong thời gian giãn cách xã hội, thì cũng chính là các anh bộ đội trong màu áo xanh, phối hợp với các lực lượng khác và chính quyền, giúp dân thu hoạch, vận chuyển nông sản về tận nhà hoặc hỗ trợ bà con tiêu thụ…
Và cũng lâu nay, trong thời bình, ở đâu và bất cứ khi nào nhân dân gặp khó khăn, gian khổ, nhất là khi có bão lũ thì đều có bộ đội tham gia cứu hộ, cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Nhưng giờ đây, trong những ngày giúp dân chống dịch, những anh bộ đội còn “gần” dân hơn nữa khi có thể ở ngay trong thành phố, tạo một cảm giác gần gũi, thân thương. Hình ảnh đó gợi đến một thời kháng chiến “bộ đội về làng”, tranh thủ giúp dân dặm lại mái nhà, gặt lúa, gánh nước, trồng rau, dạy em thơ học bài. Hình ảnh đó cũng gợi nhớ đến tình quân dân, nghĩa đồng bào, “đi dân nhớ, ở dân thương” của anh bộ đội cụ Hồ trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, một dân tộc chưa khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào, với “giặc” COVID-19 bây giờ cũng vậy.
Bộ đội từ dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân”, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Tiếp nối truyền thống ấy, bây giờ bộ đội giúp dân chống dịch, tình quân dân càng thêm khăng khít, bền chặt. Và trong lòng thành phố, khi cuộc chiến chống dịch vẫn còn đang trong những ngày cam go này, người dân “ai ở đâu yên ở đó” cũng chính là cách góp sức hiệu quả cho “cuộc chiến” này, để những cố gắng, vất vả của những người lính trong những ngày qua càng thêm ý nghĩa.