Mai sinh con đã được hơn 3 tháng, nhưng cô chưa một ngày được nghỉ ngơi vì bé vẫn thường xuyên khóc đêm dù đã làm đủ cách theo hướng dẫn bác sĩ.
Vì ở chung với nhà chồng nên Mai không những phải làm mẹ mà còn phải làm tròn bổn phận của cô con dâu duy nhất với đủ mọi thứ nghĩa vụ không thể qua mắt mẹ chồng.
Từ ngày sinh con cô mới thấm nỗi vất vả đó. Vì sinh mổ lại bị nhiễm trùng vết mổ, thời gian đầu cô phải sử dụng nhiều thuốc kháng sinh nên ít sữa. Đã căng thẳng vì phải tìm đủ mọi cách có sữa cho con bú lại thêm em bé ngủ ít, khóc đêm ra rả khiến cô lúc nào cũng mệt nhoài.
Nhưng Mai lại chẳng có được sự đồng cảm từ mẹ chồng. Bà kêu hay mất ngủ nên đêm không thể đỡ đần việc bế cháu. Đã thế thấy cháu hay khóc đêm bà lại hay đổ thừa vì Mai sợ đẻ đau, chọn mổ nên ít sữa; vì ít sữa nên cháu hay khóc; chê con dâu "nóng tay" không biết nuôi con...
Vừa chăm con mệt, vừa gặp áp lực từ phía gia đình, Mai cảm thấy rất mệt mỏi. Nhưng mỗi khi phàn nàn với chồng thì chồng cô lại chỉ ậm ừ cho qua chuyện, nói mẹ khó tính nên chẳng biết làm gì hơn.
Dần dần Mai thấy tinh thần như suy sụp, thậm chí đôi lúc cô thấy như chán nản cực độ, như người đi vào đường cụt, không còn lối để thoát ra. Đã thế chồng lại không quan tâm đến cảm xúc của vợ, suốt ngày chỉ mải mê công việc. Gần đây Mai hay tủi thân khóc một mình, hay cáu gắt thậm chí đôi khi còn mún đập phá đồ đạc trong nhà.
Những lúc bình tĩnh lại, Mai tự thấy mình có dấu hiệu như người trầm cảm. Cô tìm hiểu qua bạn bè, trên mạng mọi người đều khuyên cô nên chia sẻ với người nhà và đi khám.
Nhưng khi cô chia sẻ với mẹ chồng thì bà lại kêu um lên: "Mẹ chưa thấy ai kêu như con bao giờ, chỉ mỗi việc ở nhà chăm con thôi có gì mà trầm với cảm. Mẹ thấy ở khu nhà mình, những người lập gia đình có con và và cũng nuôi con nhỏ, có thấy ai kêu ca gì bao giờ đâu. Con đừng nghĩ mọi việc quá lên như thế".
Nghe mẹ chồng nói xong Mai thất vọng tràn trề, cô chỉ muốn chết quách đi cho xong. Nhưng cô đã từng được cảnh báo nên rất sợ tình trạng của mình nặng lên.
Sau một ngày suy nghĩ cô quyết định ra ngoài thuê nhà để ở, Mai tự thấy mình cần một nơi yên tĩnh, không có áp lực để vượt qua giai đoạn này. Ra ngoài cô sẽ dễ dàng nhờ bạn bè hỗ trợ, giúp đỡ, được điều trị tình trạng này. Mai rất sợ khi nghĩ đến một ngày tình trạng trầm cảm của cô tăng dần lên, lỡ cô tìm đến cái chết hoặc xảy ra chuyện gì thì con cô sẽ ra sao? Nhưng trước mắt cô phải gì để thuyết phục chồng cùng mình ra ở riêng đây?