Đau lòng vì con bị tự kỷ, vợ đổ tại mẹ chồng

Hồi có bầu, hầu như đêm nào Hương cũng khóc, cũng uất ức vì bị mẹ chồng xét nét, hạnh họe những việc dù là nhỏ nhất, giờ con cô bị thế này, có lẽ là do tâm lý khi mang thai không tốt.

Lấy chồng được hơn 1 năm, Hương mới có thai, có lẽ vì chồng cô đi công tác trên thành phố, một tháng chỉ về được khoảng đôi lần nên xác suất mang thai thấp. Khoảng thời gian chờ đợi ấy với cô vô cùng nặng nề vì mẹ chồng luôn có những lời lẽ chê bai cô, nói ra nói vào với bà con làng xóm, nào là
chờ mãi chẳng thấy gì, có con tội sống, không có con tội chết... khiến Hương luôn phải ôm ấm ức, thỉnh thoảng chồng cô mới về nên Hương cũng không dám chia sẻ với chồng vì sợ anh buồn. Nhưng bù lại Huy lại rất vô tư, anh luôn thương yêu, tìm cách bảo vệ vợ nên Hương cũng như được an ủi phần nào, cô cũng dần quen mới ở yên được với mẹ chồng.


Dù tỏ ra sốt ruột mong mỏi, nhưng đến khi Hương biết tin vui đã mang thai, những tưởng mẹ chồng cô phải vui mừng lắm mà chăm sóc con dâu và cháu thì bà lại tỏ ra khá lạnh nhạt. Bà chỉ hỏi han cho có, thậm chí những ngày Hương ốm nghén phải nằm nhà không đi làm được, bà còn tỏ ra không vừa ý, chê cô ưỡn ẹo, làm nũng chứ ai mà chẳng phải chửa đẻ. Vì quá bức xúc, Hương nói thẳng với mẹ chồng rằng cô không ưỡn ẹo, vì bác sĩ dặn cô không được khỏe, nên mới phải nghỉ ngơi để bảo vệ đứa bé, khó khăn lắm cô mới có thai được. Nghe xong bà lại tỏ ra tức giận, nói con dâu cãi tay đôi, đánh giá bà không biết thương con, thương cháu mới làm thế.


Nhất là hôm Huy về thăm nhà, bà lôi ngay chuyện đó ra để kể tội con dâu nhưng khác với mọi lần, lần này Huy lại tỏ ra bảo vệ vợ, nói bà nên rộng lượng hơn với Hương một chút để cả 2 cùng vui vẻ, nhất là trong lúc cô ấy đang khó ở thì bà lại tỏ ra tự ái: Từ giờ đến chết mẹ sẽ không nói câu nào nữa rồi bỏ mâm cơm đứng dậy.


Cũng từ đó, mối bất hòa giữa Hương và mẹ chồng ngày càng nặng nề, bà thường nói những câu khó nghe khiến cô rất bức xúc, chồng lại ở xa không có người chia sẻ nên nhiều lúc Hương chỉ biết khóc. Có lần nghe thấy Hương gọi điện thoại cho chồng bảo chồng mua về ít sữa và đồ ăn cô thích thì bà lập tức gọi ngay cho Huy hỏi xem có phải vợ anh làm vậy là có ý bảo ở với mẹ chồng không được chăm sóc tử tế nên cố tình gọi điện cho chồng than thở hay không khiến Huy cũng không biết nên hòa giải như thế nào.


Đến khi Hương sinh con, rất may bà cũng quý cháu, nhưng vẫn rất khắc nghiệt với Hương. Cô góp ý với bà việc cho cháu ăn, chăm cháu thì bà lại bảo Hương dạy dỗ người đã nuôi một đàn con khôn lớn. Hương cũng đã quen dần và không để ý những lời nói của mẹ chồng; nhưng có một điều làm Hương lo lắng hơn đó là con trai cô rất chậm nói, dù đã gần 2 tuổi, đứa trẻ lại có khả năng tập trung kém, rất khó để chỉ bảo cho con, nhiều lúc cô cảm giác như bất lực.


Sau khi bàn bạc với chồng, Hương quyết định cho con đi khám thì được bác sĩ cho biết đứa trẻ có nhiều điểm của trẻ tự kỷ, phải điều trị ngay. Nghe xong Hương run rẩy cả người, cô ít gặp trường hợp này nên rất lo sợ. Cho con đi khám về, cô đau khổ thông báo với cả nhà thì bà nội lại đay nghiến con dâu: Cháu tôi làm sao mà chị phải cho đi khám, nó chẳng sao hết, không phải chữa trị gì cả.


Đến mức này thì Hương không chịu đựng nổi nữa, cô vừa khóc vừa kể tội mẹ chồng, Hương nói rằng chính cách đối xử của bà khiến lúc mang thai cô phải suy nghĩ, phải khóc, phải buồn phiền quá nhiều nên đứa bé mới bị ảnh hưởng như vậy. Cô gạt nước mắt và tuyên bố sẽ đưa con lên thành phố, ở gần chồng và tạo điều kiện cho đứa bé được chữa trị thật tốt, giờ thì cô chẳng có lý do gì phải nhịn nữa.


An Na/Báo Tin tức
'Cơ hội vàng' giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với xã hội
'Cơ hội vàng' giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với xã hội

"Cơ hội vàng" để phát hiện và trị liệu cho trẻ tự kỷ là giai đoạn trẻ 24 tháng tuổi. Đây là thời điểm chẩn đoán rõ nhất, khoa ưu tiên điều trị cho trẻ từ 24 - 36 tháng vì để muộn can thiệp rất khó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN