Tôi thích đi trong lòng phố những chiều mưa bụi đầu đông. Cái lạnh chưa sắc ngọt nhưng đủ khiến đầu óc trở nên tỉnh táo lạ thường. Những hạt mưa rắc nhẹ trên tóc, mơn man trên khuôn mặt. Những sợi nước li ti thấm qua bờ mi. Cái lạnh của khí trời, hơi ẩm ướt dâng lên của mưa có thể khiến tâm can con người trở nên rõ ràng, rung động hơn bao giờ hết.
Nhiều lần, tôi đã đi trong mưa chiều như thế.
Lần tôi nhớ rõ ràng nhất, đó là chiều mưa cách đây sáu năm, sau chừng một tiếng gặp nhà báo Tân Linh (báo Văn hoá), khi anh đang điều trị căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Hai anh em ngồi trong quán cà phê cuối đường Nguyễn Du, gần đối diện cơ quan anh. Anh tặng tôi cuốn sách và chia sẻ về dự định sẽ ra mắt trường ca về cầu Hiền Lương - sông Bến Hải quê hương. Anh viết cuốn trường ca trên giường bệnh, viết bằng cả niềm tin và nghị lực vô bờ bến, sống hết mình cho từng ngày còn lại ở trên cõi đời.
Tôi ngồi nghe anh nói, thỉnh thoảng mới hỏi vài điều, nghe anh kể mà tôi như tưởng anh đang ở trong lòng quê hương mình với hoài niệm khôn nguôi. Đứa con lâu ngày chưa về thăm mẹ, giấu kín cả chuyện bị bệnh nặng. Tôi biết anh đang sống không chỉ cho riêng mình.
Chia tay anh ra về, trời mưa, tôi cứ để mặc mưa thế mà đi, biết rằng mình đang khóc. Giọt nước mắt của niềm thương và cảm phục nghị lực của người anh - người đồng nghiệp. Trong cơn mưa rây rây hạt chiều ấy, tôi nhẩm đọc những câu thơ anh viết: “Ta đang sống vì nhau mà không thể cùng nhau/Đừng oán trách số phận/Ngoài kia mùa xuân không đợi/Có lẽ mùa xuân có lý riêng”. Tôi thầm mong có một phép màu xảy đến với anh, nhưng không có phép màu nào cả. Anh đã ra đi mãi mãi sau đó chừng hơn một năm.
Vào một ngày mưa khác, cũng tiết đầu đông, tôi chở chị Nguyễn Thị Hiền - con gái của nhà văn Kim Lân - bằng xe máy về căn nhà cũ ở ngõ Hạ Hồi (cắt ngang phố Quang Trung, Hà Nội) để quay cảnh chị về thăm nhà xưa cho bài viết của mình. Chị khoác áo len mỏng, choàng thêm chiếc khăn. Về khu nhà xưa, chị không khỏi bồi hồi, đôi mắt ướt trong màn mưa đã ướt đẫm những cành bàng lá đỏ. Chị nhớ về người cha mình rất mực thương yêu, người đã dồn hết tâm huyết cho con gái theo đuổi nghiệp vẽ mà ông vì hoàn cảnh không thể thực hiện đam mê. Chị nhớ về những ngày nhà viết kịch-nhà thơ tài hoa Lưu Quang Vũ đứng ở ngã ba Hạ Hồi và phố Quang Trung chờ đợi...
Sau khi đưa chị về căn nhà chị ở trong những ngày từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội trên phố Trần Khát Chân, tôi cũng để mặc mưa thế mà đi. Câu chuyện của chị về cuộc đời của người đàn bà vẽ, người đàn bà với mối tình dang dở với Lưu Quang Vũ, đã khiến trái tim tôi thổn thức. Hình ảnh chị đứng dưới đường nhìn lên ô cửa nhà mình xưa cũ như ghim chặt vào lòng tôi. Tôi cứ tự hỏi, nếu như người ta không có kỷ niệm gì để nhớ, cuộc sống sẽ thế nào nhỉ. Kỷ niệm chẳng phải là những lát cắt cuộc đời, để người ta nhớ mãi và giữ cho riêng mình, cũng từ đó mà lớn lên, trưởng thành hơn!
Tôi cũng nhiều lần ngồi cùng bạn bè dưới mái hiên quán cà phê trong lòng phố, vào những chiều mưa. Không hiểu sao nhưng tôi thích cái cảm rác co ro, ngồi trong quán vắng mà nhìn ra bên ngoài. Tôi mê ánh đèn vàng ấm áp, bản nhạc nhẹ du dương, chỉ cần ngồi yên lặng như thế nhìn ra màn mưa.
Mưa chiều trong lòng phố, giữa hối hả bộn bề, giữa vô vàn âm thanh của cuộc sống, tôi thấy và cho phép mình sống chậm lại, chậm lại một vài nhịp, để tâm hồn lắng dịu. Những lúc như thế, tôi thấy mình tựa cô gái nhỏ, tâm hồn đầy xao động, trái tim như run lên những thanh âm của bản nhạc trữ tình, mệt mỏi (nếu có) như được xoá tan...