Sau khi về hưu, vợ chồng bà Lan quyết định đóng cửa căn nhà ở Đà Nẵng, ra Hà Nội ở cùng con trai để có điều kiện chăm sóc cháu nhỏ. Ngay khi biết tin Hiền mang thai, ông bà đã thu xếp có mặt bởi cũng háo hức chờ đón đứa cháu đầu tiên.
Vì không có con gái nên bà Lan coi con dâu như con, chẳng nề hà việc gì, kể cả việc nấu những món ăn theo sở thích của con dâu, rửa bát, giặt giũ, phơi đồ... Nhưng vì được mẹ chồng quan tâm quá nên Hiền lại có vẻ ỷ lại. Hiền luôn lấy lý do mệt, cần được nghỉ ngơi, chẳng muốn động tay vào việc nhà. Những hôm bà Lan ốm thì con trai bà là người nấu cơm, dọn dẹp. Bà để ý và biết điều đó nhưng cũng chỉ nghĩ bọn trẻ bây giờ lười biếng, chỉ biết công việc ngoài xã hội, lại nghĩ đến đứa cháu nên vẫn cho qua.
Rồi thằng cháu đích tôn kháu khỉnh ra đời là niềm hạnh phúc của cả gia đình. Bà Lan lại thêm nhiệm vụ bồng bế, chăm sóc cháu. Yêu thương con cháu, bà chẳng ngại việc gì, kể cả việc thức đêm bế cháu hay đêm nào cũng phải dậy pha sữa cho cháu uống vì Hiền đã sớm cai sữa đêm cho con. Nhưng đôi lúc bà cũng thấy hơi khó chịu vì Hiền tự học ở trên mạng những phương pháp dạy con kiểu mới rồi luôn “lên lớp” mẹ chồng. Sợ cách chăm trẻ của mình đã lạc hậu nên điều gì thấy hợp lý bà vẫn nghe theo. Nào là cho con ăn theo kiểu Nhật, kiểu Ý... dạy con nhận biết chữ sớm, rồi đủ loại phương pháp... bà luôn bỏ qua những khó chịu, sẵn sàng lắng nghe và học hỏi những cái mới, chỉ mong cháu mình được nuôi dạy tốt, khoa học.
Cũng bởi chăm sóc cháu là nhiệm vụ của bà nên mỗi khi cháu hư hoặc có biểu hiện gì lệch lạc, Hiền lại quay sang đổ thừa: “Cháu như thế là tại bà chiều cháu, dạy cháu không khoa học rồi”, rồi lại “giảng giải” cho bà về những phương pháp hiện đại dạy trẻ ngoan như thế nào. Càng ngày thái độ của cô con dâu càng làm bà khó chịu nhưng thương con, thương cháu nên bà cũng chỉ nhẹ nhàng đáp lại: “Thế hệ của bố mẹ không có nhiều phương pháp nuôi dạy như bây giờ nhưng bố mẹ vẫn nuôi được con cái khôn lớn, thành đạt, ngoan ngoãn đấy thôi” và những cuộc tranh luận cũng thường kết thúc như vậy.
Chẳng mấy chốc cháu nội đã đến tuổi đi lớp, công việc ở nhà hàng ngày của bà cũng nhàn nhã hơn, chủ yếu là cơm nước, giặt giũ, chiều đón cháu ở lớp về và tắm rửa, cho cháu ăn, chơi cùng cháu. Những lúc cháu đi học ông bà chỉ biết xem tivi, dọn dẹp nhà cửa cho đỡ buồn.
Một hôm có đứa cháu họ ở quê lên xin ở nhờ một tuần để học bồi dưỡng nghiệp vụ, bà Lan vui vẻ đồng ý vì có thêm người để chuyện trò. Thấy bà có một chiếc ipad riêng để đọc báo mà vẫn than thở từ khi cháu nội đi học bà chẳng biết làm gì; cháu họ đã gợi ý và hướng dẫn, thế là bà có thêm thú vui dùng facebook những lúc buồn. Bà cảm thấy thú vị vì facebook thật tài tình, có thể giúp mọi người biết về nhau, chia sẻ với nhau nhiều hơn, thậm chí có thể biết tin tức những người đã lâu lắm chưa được gặp. Biết sử dụng mấy hôm, bà tò mò muốn vào xem facebook của các con có những gì nên nhờ đứa cháu tìm để kết bạn. Vừa mở trang facebook của con dâu ra đã đập vào mắt bà dòng trạng thái: “Chồng đi công tác bao nhiêu ngày là bấy nhiêu ngày vất vả, túi bụi với công việc, rồi lại đưa đón anh con đi học, cho ăn, hướng dẫn con học các kỹ năng... Bao nhiêu việc, chỉ có mỗi chồng là người hiểu và chia sẻ duy nhất”... rồi lại đến những dòng bình luận phía dưới, khi bạn bè hỏi “Ông bà nội không ở cùng nữa à?” thì thấy Hiền trả lời: “Ông bà nội đi chơi suốt”, rồi “ Bà trông cháu nhưng cứ cho cháu thả ga xem ipad, tivi thì nguy hiểm lắm, cố lên một tí cho “lành”...
Bà Lan sững người, bao nhiêu cố gắng, bao nhiêu tình cảm thương con quý cháu, chăm sóc gia đình của bà chỉ để đổi lấy những lời phàn nàn của con dâu trên mạng như thế sao? Những dòng viết trên kia mọi người đều nhìn thấy, chẳng lẽ thằng Bình, con trai bà không nhìn thấy sao? Sao nhìn thấy nó lại không nói gì, hay nó cũng nghĩ mẹ “chẳng được việc gì”, hay nó cũng không muốn bố mẹ ở cùng?...
Bà Lan vừa tức giận, vừa thất vọng vô cùng, từ trước tới nay bà vẫn nghĩ con dâu có tính ỷ lại một chút, thích thể hiện sự hiểu biết nhưng đã là con mình nên bà luôn cố gắng sống bao dung cho gia đình được vui vẻ, muốn xóa đi khoảng cách mẹ chồng- nàng dâu, nhưng có vẻ con dâu bà đã lấn tới. Bà phải tìm cách nói chuyện cho rõ trắng đen, nhưng nếu chỉ để hả giận thì chắc chắn không khí gia đình sẽ thêm nặng nề, căng thẳng, liệu mẹ con còn nhìn mặt nhau hay không; còn nếu coi như không biết thì bà không thể cứ ôm mãi những buồn bực trong lòng.