Cuộc tập trận diễn ra tại miền Đông Siberia với sự tham gia của các quân khu Trung tâm và phía Đông, Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội biển Bắc, cùng tất cả các binh đoàn và lực lượng đổ bộ đường không, máy bay tầm xa và máy bay vận tải quân sự. Đặc biệt, cuộc tập trận này còn có sự tham gia của quân đội Mông Cổ và Trung Quốc.
Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergey Shoigu, cuộc tập trận sẽ kéo dài từ ngày 11-17/9. Quân đội Nga so sánh cuộc phô trương lực lượng này với cuộc tập trận "Zapad-81" của Liên Xô năm 1981, với khoảng 150.000 binh sĩ Hiệp ước Vácsava tham gia và là cuộc tập trận quy mô lớn nhất thời Liên Xô. Tuy nhiên Bộ trưởng Shoigu cho biết quy mô cuộc tập trận lần này lớn hơn thế nhiều, với sự tham gia của gần 300.000 binh sĩ, hơn 1.000 máy bay, gần 80 tàu quân sự, 36.000 xe tăng, xe bọc thép và nhiều phương tiện chiến đấu khác.
Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga, Đại tướng Valery Gerasimov cho biết cuộc tập trận lần này sẽ sử dụng nhiều thiết bị quân sự hiện đại nhất của Nga, như hệ thống tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân Iskander, xe tăng T-72, T-80 và T-90 với các tính năng được nâng cấp, bộ đôi máy bay chiến đấu Su-34 và Su-35 đời mới, trực thăng tấn công Mi-28 và Mi-35, và nhiều vũ khí robot tối tân. Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội biển Bắc sẽ triển khai chiến hạm trang bị tên lửa hiện đại “Calibre” và nhiều tàu chiến hiện đại khác, được điều khiển bởi lực lượng Hải quân mặt nước. Bên cạnh đó là các tàu khu trục trang bị tên lửa Kalibr từng được sử dụng tại Syria. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ huy động khoảng 900 đơn vị thiết bị kỹ thuật tham gia cuộc tập trận.
Theo kế hoạch, các đơn vị sẽ di chuyển, tạo thành hai nhánh: một bên là quân khu Trung tâm kết hợp với Hạm đội biển Bắc, bên kia là quân khu phía Đông và hạm đội Thái Bình Dương. Chiến dịch được chia thành hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu (hai ngày đầu tiên) sẽ hoàn thành kế hoạch tác chiến, triển khai công tác chiến đấu, tổ chức tác chiến và hỗ trợ toàn diện. Trong giai đoạn thứ hai (năm ngày còn lại) sẽ diễn ra các hoạt động tác chiến thực sự.
"Vostok-2018" diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Moskva và phương Tây kể từ năm 2014 liên quan đến xung đột tại miền Đông Ukraine. Quyết định của Nga mời Trung Quốc tham gia tập trận "Vostok-2018" đã khiến cho giới quan sát ngạc nhiên, bởi cuộc tập trận quan trọng hàng đầu này của Moskva vốn “đóng cửa" với các quân đội nước ngoài.
Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh cuộc tập trận này nhằm hiện thực hoá học thuyết quân sự của Nga, và không nhằm chống lại các quốc gia khác. Thứ trưởng Quốc phòng, Thượng tướng Alexander Fomin (A-lếch-xan-đơ Pho-min) cho biết Moskva đã thông báo với các nước và đối tác về cuộc tập trận, bao gồm Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).