Theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), cuộc tập trận chung diễn ra từ 15-17/1 ở vùng biển phía Đông Nam ngoài khơi đảo Jeju với sự tham gia của 9 tàu chiến từ 3 quốc gia, đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Mỹ USS Carl Vinson. Về phần mình, Hàn Quốc đã điều động các tàu khu trục được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis, trong khi Nhật Bản triển khai các tàu khu trục lớp Kongo của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải.
Cuộc tập trận diễn ra một ngày sau khi Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo tầm trung nhiên liệu rắn mang đầu đạn siêu vượt âm – đánh dấu lần thử nghiệm tên lửa đạn đạo đầu tiên của Bình Nhưỡng trong năm nay.
Trong thông cáo mới nhất, JCS cho biết: "Cuộc tập trận nhằm mục đích tăng cường khả năng răn đe và phản ứng của ba quốc gia trước mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như các mối đe dọa trên biển. Cuộc tập trận tập trung vào việc ứng phó với các mối đe dọa an ninh trên biển, bao gồm ngăn chặn vũ khí hủy diệt hàng loạt và tăng cường hợp tác ba bên trong việc thiết lập trật tự quốc tế".
Đây cũng là cuộc tập trận ba bên đầu tiên được tổ chức sau khi Washington và các đồng minh châu Á triển khai hệ thống chia sẻ theo thời gian thực về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và nhất trí cùng nhau thiết lập một kế hoạch tập trận kéo dài nhiều năm để ứng phó.
Trong ngày đầu tiên của cuộc tập trận, phát biểu trên tàu sân bay Mỹ, Chủ tịch JCS Đô đốc Kim Myung-soo nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc tập trận hải quân ba bên, đồng thời cam kết đẩy mạnh sự phối hợp giữa các bên với kế hoạch tập trận nhiều năm.
Cuộc tập trận mới nhất diễn ra trong bối cảnh lo ngại về an ninh ngày càng tăng sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm mới được đánh giá là khó phát hiện và bắn hạ hơn. Tên lửa siêu vượt âm bay với tốc độ Mach 5, gấp 5 lần tốc độ âm thanh, có tính cơ động cao và có thể thay đổi hướng bay trong khi bay.
Vũ khí siêu vượt âm nằm trong danh sách vũ khí công nghệ cao mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước này tập trung phát triển trong những năm gần đây. Trước đó, hồi tháng 1/2022, Triều Tiên đã bắn thử tên lửa siêu vượt âm sử dụng nhiên liệu lỏng. Đến đầu năm nay, Bình Nhưỡng đã phóng thử thành công tên lửa nhiên liệu rắn.
Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), việc phát triển tên lửa nhiên liệu rắn có thể giúp Triều Tiên triển khai tên lửa nhanh hơn trong trường hợp xảy ra xung đột. Tên lửa nhiên liệu rắn khó bị phát hiện trước khi phóng hơn tên lửa nhiên liệu lỏng vốn cần nhiều công tác chuẩn bị tốn thời gian, chẳng hạn như phun nhiên liệu. Hầu hết tên lửa đạn đạo lớn nhất của Triều Tiên đều sử dụng nhiên liệu lỏng.
Trong cuộc phỏng vấn mới nhất với đài KBS, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik thừa nhận Triều Tiên đã đạt được một số tiến bộ trong việc phát triển tên lửa siêu vượt âm.