Kỳ 1: Ma cà rồng và nỗi sợ bệnh tật
Năm 1892, trong tâm trạng sợ hãi, một nhóm dân làng ở Exeter (bang Rhode Island, Mỹ) đã tập trung tại nghĩa địa của thị trấn, tay cầm xẻng để làm một công việc không ai muốn. Chậm rãi nhưng dứt khoát, họ bắt đầu đào lớp đất mới lấp trên ngôi mộ của Mercy Brown 19 tuổi. Brown đã qua đời khoảng hai tháng trước đó, nhưng có điều gì đó về cái chết của cô gái khiến người dân thị trấn lo lắng. Họ tin rằng cô là ma cà rồng, có ý định hút cạn sự sống của người anh trai đang bệnh tật.
Sau khi đào mộ, dân làng đã thấy thi thể Brown, trên má có một vết đỏ ửng. Họ tin rằng Brown chính là ma cà rồng nên đã thiêu tim và gan của cô. Sau đó, họ yêu cầu anh trai Brown ăn tro còn lại. Dù vậy, người anh trai này cũng chết, có thể là vì bệnh lao như mẹ và một người em gái khác.
Vào thời đó, hành vi đào mộ của Mercy Brown là điều dễ hiểu vì dân làng Exeter sống ở thời mà người ta khiếp sợ ma cà rồng. Có răng nanh và khát máu, những sinh vật siêu nhiên này luôn xuất hiện ở những góc tối nhất trong trí tưởng tượng của con người suốt nhiều thế kỷ.
Từ thời mà con người sợ bóng tối, họ đã sợ những con quái vật vô hình có thể ẩn nấp ở đó. Lịch sử của ma cà rồng có từ rất lâu. Nhiều nền văn hóa cổ xưa có các thần thoại về những quái vật giống ma cà rồng, mặc dù chúng khác với truyền thuyết thời hiện đại.
Ở Mesopotamia, người ta sợ những sinh vật tên là Ekimmu vì chúng có thể tiêu hao sinh lực của con người. Trong khi đó, thần thoại Ai Cập cổ đại mô tả Sekhmet (con gái của thần mặt trời Re) khát máu người vô độ. Văn hóa dân gian Do Thái mô tả cảnh Lilith (một số người tin là vợ đầu tiên của Adam) ăn thịt các nạn nhân. Một số câu chuyện cho rằng Lilith là nguyên nhân khiến đàn ông có những giác mơ khiêu dâm và khiến họ “phóng hạt giống”.
Những sinh vật như trên đều có một điểm chung: Chúng hút cạn thứ gì đó quan trọng từ con người, cho dù là sinh lực, máu hay “hạt giống”. Xét những hành động mà chúng làm với loài người, những linh hồn cổ xưa này đều giống với các mô tả về ma cà rồng. Còn theo quan niệm hiện đại của con người mà mãi sau mới hình thành, ma cà rồng là loài hút máu có răng nanh, luôn tránh ánh sáng mặt trời.
Những mô tả thời hiện đại về ma cà rồng bắt đầu hình thành từ thời Trung cổ. Theo kênh PBS, tài liệu tham khảo đầu tiên về ma cà rồng có thể bắt nguồn từ một văn bản tiếng Nga cổ được viết vào năm 1047, trong đó mô tả những con quái vật được gọi là “upir”. Còn thuật ngữ “ma cà rồng” mãi sau nhiều thế kỷ mới xuất hiện, cụ thể là vào năm 1725.
Năm đó, vì sợ hãi, dân làng ở Kisiljevo (thuộc Serbia ngày nay) đã nhờ một giáo sĩ tên Frombald giúp đỡ. Họ cho rằng một người đàn ông đã chết tên là Petar Blagojević là nguyên nhân gây ra bệnh tật, chết chóc khắp làng. Không chỉ người vợ góa của ông này khẳng định rằng mình đã chứng kiến mà còn có 9 dân làng khác cũng khẳng định rằng ông ta đã nằm đè lên họ và bóp cổ họ trong đêm. Khoảng 24 giờ sau, tất cả đều chết.
Giáo sĩ Frombald đã viết thư cho cấp trên nói rằng dân làng biết chính xác những gì họ đang phải đối mặt: một vampyri - từ trong tiếng Serbia có nghĩa là trở về từ cõi chết. Chính ông Frombald đã tiến hành khám nghiệm tử thi và phát hiện thi thể của Blagojević dường như hoàn toàn tươi và thậm chí còn có máu tươi quanh miệng. Khi những người dân làng quyết tâm đóng cọc xuyên qua xác Blagojević, ông Frombald báo cáo lại rằng có rất nhiều máu hoàn toàn tươi chảy ra từ thi thể của người chết. Tin tức về báo cáo của ông Frombald và những báo cáo tương tự nhanh chóng lan truyền.
Ngày nay, chúng ta biết rằng không chỉ có người Serbia thực hiện cuộc thập tự chinh chống ma cà rồng. Trong những năm gần đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra nghĩa địa ma cà rồng ở Ba Lan. Tại đó, họ tìm thấy một người phụ nữ bị chôn với chiếc liềm vắt ngang cổ và một đứa trẻ có ổ khóa quanh mắt cá chân. Cả hai đều có niên đại từ thế kỷ 17. Ngoài ra, còn có một ngôi mộ tập thể chứa những ma cà rồng bị chặt đầu từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19, trong miệng có đồng xu và thi thể bị những viên gạch đè lên.
Giống như trường hợp của Mercy Brown, dân làng Kisiljevo đã giết Blagojević lần nữa cho dù ông này đã chết để ngăn lây lan dịch bệnh quanh làng. Dân làng ở Ba Lan có lẽ cũng đã làm điều gì đó tương tự, mặc dù có thể một số ma cà rồng trong những trường hợp đó chỉ đơn thuần là những kẻ bị xã hội ruồng bỏ.
Trong thực tế, các học giả nghi ngờ rằng nhiều quan niệm của con người về ma cà rồng ngày nay là do hiểu lầm về bệnh tật và con đường lây lan.
Trong trường hợp của Blagojević và Brown, người dân đã dùng ma cà rồng để giải thích khi có một căn bệnh nào đó lây lan. Nhưng họ cũng dùng ma cà rồng để giải thích các triệu chứng của bệnh tật và các triệu chứng này trở thành dấu hiệu của ma cà rồng trong mắt nhiều người.
Bệnh dại là một ví dụ. Đợt bùng phát bệnh dại ở châu Âu trong thế kỷ 18 gắn liền với những câu chuyện về ma cà rồng. Các triệu chứng của bệnh như mất ngủ và sợ ánh sáng hoàn toàn phù hợp với quan niệm thời hiện đại về ma cà rồng - những sinh vật ngủ vào ban ngày và rình mò vào ban đêm. Thêm vào đó, bệnh dại lây lan do động vật cắn và con người vẫn nghĩ ma cà rồng thường cắn nạn nhân.
Tương tự, người mắc bệnh nấm pellagra (do chế độ ăn nhiều ngô) có thể sợ ánh sáng mặt trời. Người châu Âu ăn rất nhiều ngô vào thế kỷ 18. Tương tự, chứng rối loạn chuyển hóa porphyrin có thể gây phồng rộp trên da khi nạn nhân tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cũng như bị ảo giác.
Ngoài ra còn có bệnh dịch hạch – căn bệnh khiến bệnh nhân thỉnh thoảng bị loét miệng tới chảy máu. Căn bệnh này lây lan nhanh chóng và tưởng chừng như không thể giải thích được. Tiếp đó là bệnh lao - nguyên nhân khiến dân làng Exeter sợ hãi cô gái Mercy Brown. Bệnh lao khiến nạn nhân sụt cân, ho ra máu và chết từ từ. Đối với một số người, có vẻ như có một thế lực siêu nhiên nào đó đang “hút” dần sự sống của họ.
Thời đó, bệnh tật đóng một vai trò to lớn trong hình thành những phiên bản đầu tiên về ma cà rồng. Người ta không chỉ đổ lỗi cho ma cà rồng truyền bệnh từ dưới mộ mà một số học giả còn cho rằng các triệu chứng của bệnh tật cũng hợp với đặc điểm của ma cà rồng.
Tất nhiên, tất cả những điều này có thể vẫn chỉ là truyền thuyết ít người biết đến nếu ma cà rồng không xuất hiện trong những cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất.
Đón đọc kỳ cuối: Ma cà rồng trong văn thơ