4 mối đe dọa lớn với nền dân chủ Mỹ

Các thành viên đảng Dân chủ hàng đầu, nhiều học giả, nhà bình luận tự do và các nhà hoạt động đều cho rằng nền dân chủ Mỹ đang lâm nguy trước nhiều mối đe dọa.

Mối đe dọa “đánh cắp bầu cử”

Theo tờ Vox, nhiều người cho rằng mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với nền dân chủ Mỹ cho đến nay là phản ứng liên quan tới cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sau cuộc bầu cử năm 2020, dẫn đến việc những người ủng hộ ông xông vào tòa nhà Quốc hội vào ngày 6/1/2021.

Chú thích ảnh
Người ủng hộ ông Trump tham gia tuần hành trước Nhà Trắng trước khi kéo tới tòa nhà Quốc hội ngày 6/1/2021. Ảnh: AP

Phản ứng với kết quả bầu cử mà theo đó ông Trump thất cử trước ông Joe Biden, nhóm người bạo lực đã xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ. Hành vi của họ bị gọi là “đánh cắp bầu cử”, bị coi là kịch bạn nguy hiểm nhất của nền dân chủ, ít nhất là trong ngắn hạn.

Mặc dù đám đông tại khu vực tòa nhà Quốc hội gây chú ý trên toàn thế giới, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đám đông bạo lực đó không phải là vấn đề chính. Ông Steven Levitsky và Daniel Ziblatt đã viết trên tờ Atlantic năm 2021: “Mối nguy hiểm rình rập không phải là đám đông sẽ trở lại, mà là các thành viên Cộng hòa chính thống có thể sẽ lật ngược cuộc bầu cử một cách hợp pháp”. Điều đó có nghĩa là “đánh cắp bầu cử”, nhưng thông qua các cá nhân, tổ chức như quan chức bầu cử, cơ quan lập pháp hoặc Quốc hội, chứ không phải thông qua vũ lực.

Ông Trump đã tìm cách gây áp lực với các quan chức ở tất cả các cấp này để cố gắng thay đổi chiến thắng của ông Biden, nhưng đã thất bại. Câu hỏi đặt ra là liệu ông Trump hay ai khác có thể thành công vào lần sau hay không. Những người ủng hộ ông Trump đang tìm cách thay thế các quan chức Cộng hòa ủng hộ kết quả bầu cử năm 2020 bằng những người cho rằng bầu cử năm đó có gian lận.

Để giải quyết mối đe dọa này, cần phải bịt các lỗ hổng trong hệ thống bầu cử. Các thành viên đảng Dân chủ cần tham gia bàn bạc đề xuất của đảng Cộng hòa về cải cách Đạo luật về số lượng cử tri. Đây là đạo luật cũ mà ông Trump đã cố gắng sử dụng để khiến Quốc hội và Chủ tịch Thượng viện Mike Pence khi đó phản đối kết quả bầu cử. Các chi tiết cụ thể của cải cách đạo luật sẽ rất quan trọng và đáng để đàm phán, thay vì chế giễu như một số nhà lãnh đạo đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, mối đe dọa lớn hơn về “đánh cắp bầu cử” có thể đến từ các bang, tức là từ các quan chức bang từ chối chứng nhận kết quả hợp lệ hoặc các nhà lập pháp bang chặn các đại cử tri đoàn của người chiến thắng. Nếu có thể, cần tìm cách đưa các biện pháp bảo vệ chống lại hành vi “trộm cắp bầu cử” ở cấp bang trong các cải cách của Đạo luật về số lượng cử tri. 

Mối đe dọa của quy tắc thiểu số

Còn có lo ngại rằng đảng Cộng hòa có thể liên tục giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử tổng thống trong khi thiếu phiếu phổ thông trên toàn quốc. Phe Dân chủ lập luận rằng điều này là trái với nguyên tắc dân chủ cốt lõi rằng đa số sẽ chiếm ưu thế và phiếu bầu của các cử tri phải có giá trị ngang nhau.

Chú thích ảnh
Biểu tình tại Washington DC ngày 28/8/2021 để yêu cầu bảo vệ quyền bỏ phiếu của cử tri. Ảnh: AFP

Gần đây, nhiều tổ chức bầu cử của Mỹ đã tạo lợi thế cho đảng Cộng hòa. Đảng này đã không cần phải cố gắng thu hút đa số cử tri Mỹ. Thay vào đó, họ chỉ cần thu hút một nhóm thiểu số da trắng bảo thủ chiếm đại diện đáng kể trong cử tri đoàn, Thượng viện và các khu vực lập pháp có quyền lực.

Vào năm 2020, ông Biden đã giành được số phiếu phổ thông nhiều hơn 4 điểm phần trăm ở một bang, nhưng chỉ hơn một chút phiếu đại cử tri. Theo hệ thống bầu cử của Mỹ, đảng Cộng hòa có lợi hơn trong cạnh tranh ghế vào Thượng viện, Hạ viện.

Đây là một điều khó chịu đối với đảng Dân chủ. Mỹ chưa bao giờ có hệ thống mà phiếu phổ thông quyết định kết quả bầu cử tổng thống. Đảng Cộng hòa lập luận rằng họ đã tuân theo các quy tắc lâu đời, còn phe Dân chủ phản bác lại rằng các quy tắc này là không công bằng vì chúng gây bất lợi cho các cử tri không phải người da trắng.

Dù là lập luận nào, thì cũng có rất ít giải pháp hợp lý cho vấn đề này nếu không cải cách mạnh luật bầu cử. Lựa chọn duy nhất của đảng Dân chủ là phải tìm cách thắng bất chấp bất lợi.

Mối đe dọa của việc gây khó dễ cho cử tri

Một mối đe dọa khác là vấn đề đàn áp cử tri. Phe Dân chủ cho rằng đảng Cộng hòa có thói quen lâu năm là khiến một số cử tri nhất định (đặc biệt là cử tri trẻ, nghèo, không thuộc nhóm da trắng và nhập cư) khó bỏ phiếu hơn, vì vậy đảng Cộng hòa có thể có cơ hội chiến thắng nhiều hơn.

Đảng Cộng hòa đã tăng cường nỗ lực này vào năm 2021 với một loạt luật mới ở các bang do đảng này kiểm soát. Một số bang thắt chặt yêu cầu về danh tính cử tri, một số bang giảm thời gian bỏ phiếu qua thư... 

Các thành viên đảng Cộng hòa tuyên bố họ chỉ đơn giản là ngăn chặn gian lận có thể xảy ra, nhưng cũng có người thừa nhận những biện pháp này là nhằm giúp đảng Cộng hòa giành chiến thắng.

Lãnh đạo phe Dân chủ Đa số tại Thượng viện Chuck Schumer gần đây nói: “Chúng tôi cảm thấy nếu họ có thể làm ra các luật về quyền bầu cử này và các luật khác, chúng tôi sẽ không bao giờ có thế đa số”.

Dù vậy, các quy định thắt chặt với cử tri dường như không tác động nhiều tới kết quả bầu cử. Nhà khoa học chính trị Charles Stewart tại MIT nói: “Các chính trị gia không thể làm gì nhiều để thay đổi việc quản lý bầu cử theo hướng gây ảnh hưởng lâu dài, rõ ràng đến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu hoặc thành phần cử tri”.

Mối đe dọa của đảng phái vô trách nhiệm

Một vấn đề nữa là chuyện gì sẽ xảy ra trong hệ thống hai đảng nếu một đảng không hoàn toàn cam kết với nền dân chủ.

Đảng Cộng hòa và Dân chủ sẽ luôn cạnh tranh trong tương lai, ở cấp bang và quốc gia. Vì vậy, đối với những người tin rằng đảng Dân chủ và các lực lượng dân chủ vĩnh viễn vướng vào cuộc chiến với đảng Cộng hòa cực đoan, không có một giải pháp nào dễ dàng.

Dù sao thì trong cuộc bầu cử năm 2020, các thành viên quan trọng của đảng Cộng hòa đã không sử dùng quyền lực để hỗ trợ ông Trump “đánh cắp bầu cử”, cho dù họ có vị trí và thẩm quyền tác động tới kết quả bầu cử. 

Nếu ông Trump thất thế hoặc nghỉ hưu, và đảng Cộng hòa có nhà lãnh đạo khác thì mọi chuyện có thể dễ dàng hơn với phe Dân chủ.

Cuộc phản đối kết quả bầu cử của ông Trump đã bị chặn lại, phần lớn là nhờ hành động của các quan chức đảng Cộng hòa. Liệu họ có làm như vậy lần nữa hay không? Đây không phải là điều mà phe Dân chủ có thể kiểm soát.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Mỹ tái khẳng định mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên
Mỹ tái khẳng định mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên

Mỹ vẫn cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên thông qua ngoại giao và đối thoại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN