Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm 57 năm thành lập ASEAN, Tổng thư ký ASEAN Kim Kao Hourn nhấn mạnh sức mạnh và sự thống nhất của “đại gia đình” ASEAN trong suốt chặng đường dài. Từ một khu vực có xung đột, nghèo đói và chia cắt, ASEAN đã đoàn kết, phát triển trở thành một tổ chức gắn kết các quốc gia Đông Nam Á với nhau. ASEAN đã khẳng định vai trò của chủ nghĩa khu vực và chủ nghĩa đa phương cởi mở để trở thành một thị trường kinh tế lớn và dẫn đầu về đổi mới kỹ thuật số.
Tổng thư ký ASEAN khẳng định 57 năm qua, ASEAN đã kiên định giữ vững các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, pháp quyền, tích cực đối thoại, tạo ra các cơ hội hợp tác và thúc đẩy tăng trưởng, từ đó đạt được những thành tựu lớn trong việc xây dựng một khu vực ổn định, hòa bình và năng động, đồng thời cùng tham gia các nỗ lực tập thể, hợp tác cùng nhau để hiện thực hóa mục tiêu thịnh vượng, khả năng phục hồi và bao trùm cho tất cả cộng đồng ASEAN.
Tổng thư ký Kao Kim Hourn cũng gửi lời cảm ơn đến các đối tác đã hợp tác chặt chẽ để củng cố và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc duy trì và đảm bảo một khu vực hòa bình và thịnh vượng.
Phát biểu trực tuyến, Ngoại trưởng Lào Saleumxay Kommasith cho biết, năm 2024 là một năm quan trọng khi ASEAN đang tiến tới giai đoạn cuối cùng của việc thực hiện Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 và tiến tới xây dựng một kế hoạch chiến lược mới nhằm sửa đổi Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2045. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2024, Lào nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN gắn kết và phục hồi hơn, có khả năng nắm bắt hiệu quả các cơ hội và giải quyết các thách thức hiện tại và mới nổi trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng như hiện nay.
Cũng tại Lễ kỷ niệm, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định: “Văn hóa hòa bình là ADN của ASEAN”. Bà Retno xác định, Đông Nam Á - với vai trò cốt yếu của ASEAN trong việc duy trì hòa bình ổn định và thịnh vượng - là khu vực có mức độ tương đối ổn định nhất hiện nay trên thế giới. ASEAN duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn 4,5% so với mức trung bình toàn cầu, và trở thành trung tâm thế giới về đổi mới công nghệ và trao đổi thương mại. Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF kỳ vọng GDP của ASEAN sẽ tăng trưởng hơn nữa trong những năm tiếp theo.
Với những thành tựu đạt được, Ngoại trưởng Retno lưu ý “chúng ta không nên tự mãn. Một tính toán sai lầm có thể phá hủy những thành tựu của chúng ta trong gần 6 thập kỷ”. Không thể bỏ qua sự phức tạp về địa chính trị hiện nay. Cuộc xung đột ở Ukraine, ở Gaza và cuộc khủng hoảng ở Myanmar là một số ví dụ đã thử thách sự đoàn kết và uy tín của ASEAN.
Những bất ổn này xuất phát từ một số vấn đề nghiêm trọng hơn, như sự thiếu hụt lòng tin giữa các quốc gia, lý thuyết trò chơi tổng bằng không, sự xói mòn của chủ nghĩa đa phương và sự thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế. Vì vậy, văn hóa hòa bình phải có trong ADN của ASEAN.
Ngoại trưởng Indonesia cho rằng, ASEAN cần đảm bảo các cam kết trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, tiếp tục ủng hộ việc tôn trọng luật pháp quốc tế một cách nhất quán, nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác với các đối tác trong khuôn khổ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP). Bà Retno cho biết thêm, sáng kiến xây dựng cấu trúc khu vực dựa trên AOIP sẽ được thảo luận tại Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 10 tới tại Viêng Chăn, Lào, cùng kế hoạch tổ chức Diễn đàn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ASEAN (AIPF) lần thứ 2.
Trong khuôn khổ kỷ niệm Ngày ASEAN, Ban Thư ký ASEAN đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa như khai trương Nhà văn hóa ASEAN, lễ hội ẩm thực ASEAN, Triển lãm du học và học bổng ASEAN với sự tham gia của các nước thành viên ASEAN và đối tác cùng các tổ chức quốc tế.