Đây là cuộc điều tra đầu tiên được triển khai theo DMA vốn có hiệu lực từ đầu tháng 3 nhằm ngăn chặn những “gã khổng lồ” công nghệ kiểm soát thị trường kỹ thuật số.
Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số là một bộ quy tắc rộng rãi nhắm vào các công ty công nghệ lớn cung cấp “dịch vụ nền tảng cốt lõi” mà đạo luật này gán mác là “người gác cổng”, theo đó yêu cầu các công ty tuân thủ một loạt quy định. Vi phạm các quy định của DMA có thể khiến các công ty phải đối mặt những khoản phạt tài chính nặng nề.
Mặc dù có phần chưa rõ ràng, song các quy định của DMA nhằm thiết lập thị trường kỹ thuật số mang tính “công bằng hơn” và có “tính cạnh tranh hơn” bằng cách phá vỡ các hệ sinh thái công nghệ khép kín vốn bó buộc người tiêu dùng vào các sản phẩm hoặc dịch vụ của một công ty duy nhất.
Trong một thông báo, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết cơ quan này cho rằng những “người gác cổng” chưa tuân thủ hiệu quả các quy định của DMA. Vì vậy, cuộc điều tra nhằm đánh giá liệu Google và Apple có tuân thủ các quy định của DMA yêu cầu các công ty công nghệ cho phép nhà phát triển ứng dụng hướng người dùng đến các phần mềm hoặc ứng dụng có sẵn bên ngoài các nền tảng kho ứng dụng của họ hay không. EC quan ngại hai công ty trên đang áp đặt những “hạn chế và giới hạn khác nhau” bao gồm cả việc tính phí nhằm ngăn cản các ứng dụng xuất hiện trong danh mục các ứng dụng không phải trả tiền.
Ngoài ra, EC cũng đang điều tra xem liệu Apple có tuân thủ đúng quy định trong việc cho phép người dùng iPhone dễ dàng thay đổi trình duyệt web hay không. Cơ quan này cũng đang xem xét liệu tùy chọn “'trả tiền hoặc đồng ý” của Meta để người dùng trả phí hằng tháng cho các phiên bản Facebook hoặc Instagram không có quảng cáo có vi phạm việc sử dụng dữ liệu cá nhân người dùng hay không.
Hiện các công ty công nghệ trên chưa đưa ra phản ứng của mình.