Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn dữ liệu của Ủy ban Bầu cử Liên bang cho biết chi tiêu cấp tiểu bang và quảng cáo truyền hình cho cuộc bầu cử năm nay đã vượt quá con số 7 tỷ USD của cuộc bầu cử năm 2016. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số thống kê cho đến cuối tháng 9 và điều này có nghĩa con số thực tế tính đến giờ phút này sẽ còn cao hơn nhiều.
Theo ước tính của Trung tâm Phản ứng Chính trị (Center for Responsive Politics), tổng số tiền chi cho các cuộc bầu cử liên bang có khả năng lên tới gần 11 tỷ USD. Cả Tổng thống Donald Trump, cựu Phó Tổng thống Joe Biden và các đồng minh có khả năng chi hơn 5,1 tỷ USD để vận động cho cuộc đua vào Nhà Trắng, cao hơn gấp đôi chi phí của cuộc chạy đua năm 2016 và hơn gần 2 tỷ USD so với cuộc đua tổng thống Mỹ đắt giá nhất từ trước đến nay từng được chi vào năm 2008.
Tính đến cuối tháng 8 vừa qua, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đã huy động được gần nửa tỷ USD. Từ đó đến nay, Ủy ban quốc gia của đảng Cộng hòa và các ủy ban gây quỹ khác đã tích lũy thêm hàng trăm triệu USD. Trong khi đó, Chiến dịch tranh cử của ông Biden và Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ huy động được 3 triệu USD chỉ riêng trong tháng 9, lập kỷ lục mới sau con số ấn tượng 364 triệu USD ghi nhận ngay trong tháng trước đó.
Đáng chú ý là mức chi tiêu lớn không chỉ dừng lại trong cuộc đua bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Dữ liệu thu thập bởi Advertising Analytics cho thấy trong 10 cuộc tranh cử tốn kém nhất tại Thượng viện Mỹ thì có tới 7 cuộc diễn ra trong năm nay, ở Bắc Carolina, Iowa, Arizona, Montana, Maine, Nam Carolina và Georgia. Năm ứng cử viên tranh cử của đảng Dân chủ huy động được hơn 20 triệu USD/người trong 3 tháng qua. Đứng đầu là ông Jaime Harrison, cựu Chủ tịch đảng Dân chủ tại tiểu bang Nam Carolina, với mức thu về 57 triệu USD.
* Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, mặc dù vẫn còn 19 ngày nữa mới tới ngày bầu cử chính thức 3/11, nhưng việc bỏ phiếu đã diễn ra tại nhiều bang trên khắp nước Mỹ với số lượng cử tri đi bỏ phiếu sớm trực tiếp và bỏ phiếu qua bưu điện đạt mức kỷ lục.
Theo số liệu từ Tổ chức US Elections Project, tổng cộng đã có hơn 17,8 triệu người Mỹ bỏ phiếu qua thư hoặc trực tiếp. Con số này tương đương với gần 13% tổng số người Mỹ đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Tỷ lệ cử tri đi bầu sớm cũng đạt mức cao ấn tượng tại những bang chiến địa. Ở bang Texas, hơn 1 triệu cử tri đã xếp hàng bỏ phiếu sớm ngay trong ngày đầu tiên hôm 13/10. Mặc dù Thống đốc bang Texas Greg Abbott giới hạn mỗi hạt chỉ có một địa điểm gửi phiếu bầu qua thư nhưng cho đến nay bang này đã nhận được khoảng 400.000 phiếu bầu.
Trong khi đó, các cử tri ở bang Georgia xếp hàng tới 12 tiếng vào ngày 12/10 để bỏ phiếu trực tiếp. Đã có khoảng 379.000 cử tri ở Georgia đi bỏ phiếu sớm trong tuần này và hơn 500.000 người đã gửi phiếu qua thư. Trong số những người bỏ phiếu trực tiếp, 1/3 là cử tri da màu.
Còn tại bang Florida, hình thức bỏ phiếu sớm trực tiếp chưa diễn ra song tính đến ngày 12/10, đã có hơn 2 triệu cử tri gửi lá phiếu qua bưu điện, chiếm hơn 20% tổng số cử tri đi bỏ phiếu tại bang “Ánh sáng” này vào năm 2016.
Cả ba bang trên đều nằm trong danh sách các bang chiến trường quan trọng nhất trong kỳ bầu cử lần này. Texas và Georgia từ lâu đã là thành trì của đảng Cộng hòa nhưng đang có thiên hướng “xanh” hơn do sự đa dạng ngày càng cao của cử tri. Theo thống kê, không một ứng cử viên Tổng thống nào của đảng Dân chủ giành được chiến thắng tại Texas kể từ năm 1976 và Georgia từ năm 1992.
Với 29 phiếu đại cử tri, bang Florida nhiều năm nay luôn là trung tâm chú ý của các cuộc bầu cử. Nhiều chuyên gia nhận định hy vọng về nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng của Tổng thống Trump sẽ được xác định tại bang này. Trong cuộc bầu cử cách đây 4 năm, ông Trump đã giành chiến thắng tại đây với tỷ lệ sít sao. Trong lịch sử bầu cử Mỹ, hiếm có ứng cử viên nào trở thành chủ nhân của Nhà Trắng mà lại không chiến thắng ở Florida. Tổng thống cuối cùng chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử mà không thắng ở Florida là Calvin Coolidge, vào năm 1924.
Mặc dù Tổng thống Trump cũng như các đảng viên Cộng hòa kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu trực tiếp vì cho rằng hình thức này khó tạo gian lận bầu cử, nhưng nhiều người dân Mỹ vẫn lựa chọn bỏ phiếu qua đường bưu điện do lo ngại sự lây lan của dịch COVID-19.