Ông Scholz cho rằng lĩnh vực tài chính của Anh sẽ không còn có ý nghĩa quan trọng đối với EU sau khi Brexit diễn ra. Theo dự kiến, Anh sẽ rời EU vào ngày 31/1 tới song vẫn trong thị trường chung (được miễn thuế quan) và liên minh hải quan của EU cho đến hết năm 2020. Ông Scholz cho rằng một quốc gia không phải là thành viên EU sẽ không thể có những lợi thế như một nước thành viên của khối và điều này sẽ là yếu tố quan trọng trong các cuộc thảo luận về vấn đề thương mại sắp diễn ra giữa EU và Anh.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã tỏ ra thận trọng về Brexit. Theo bà Lagarde, việc Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định rằng sẽ không yêu cầu kéo dài giai đoạn chuyển tiếp sau khi Brexit diễn ra có nghĩa Anh có thể rời thị trường chung và liên minh hải quan của EU từ đầu năm 2021 mà không có thỏa thuận thương mại với EU – điều sẽ khiến hoạt đông thương mại giữa đôi bên phải chịu các mức thuế quan và những rào cản khác.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid lại cho rằng ông tin tưởng Anh và EU có thể đàm phán được một thỏa thuận thương mại toàn diện với EU vào cuối năm 2020. Nhiều chuyên gia thương mại nhận định ý kiến trên là khá lạc quan bởi các bên thường mất nhiều năm đàm phán để có thể đạt được những thỏa thuận thương mại.