Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông của Liên hợp quốc (UNRWA), ước tính rằng đến đầu tháng 7, khoảng 330.000 tấn rác thải rắn ở Gaza, đủ để lấp đầy hơn 200 sân bóng đá, vẫn chưa được chôn cất hoặc xử lý.
Giáo sư Nadav Davidovitch, lãnh đạo Khoa Quản lý Hệ thống Y tế tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Ben-Gurion của Negev (Israel), đánh giá rằng, sau 10 tháng giao tranh, tình hình y tế và vệ sinh ở Gaza rất tồi tệ, với hậu quả nghiêm trọng và lan rộng. Trong đó, bao gồm cả nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh, nhiễm trùng và các mối nguy hiểm khác về môi trường. Ông Davidovitch còn đề cập đến đợt bùng phát bệnh bại liệt hiện nay ở Gaza.
Vào ngày 30/6, cơ quan y tế Gaza cho biết đã phát hiện chủng CPV2 của virus bại liệt trong mẫu nước thải ở Khan Younis và nhiều nơi ở miền Trung Gaza. Ngày 7/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo gửi hơn 1 triệu liều vaccine phòng bại liệt đến Dải Gaza. Cùng ngày, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) nhận định, hành động thù địch và những vụ không kích liên tục vào Dải Gaza đã gây thương vong hàng loạt trong những tuần gần đây, gia tăng khó khăn đối với các tổ chức nhân đạo trong việc sơ cứu, cấp cứu và ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Điều kiện nước không đảm bảo, vệ sinh kém, cùng tình trạng quá tải cũng đang làm gia tăng các đợt bùng phát dịch bệnh.
Trong khi đó, tổ chức PAX tại Hà Lan, gần đây đã phân tích hình ảnh vệ tinh cùng các dữ liệu nguồn mở khác và phát hiện ra rằng có hơn 225 đống rác khổng lồ ở Dải Gaza. Mỗi ngày, thêm 2.000 tấn rác thải bổ sung vào những đống rác này. Chỉ một phần nhỏ trong số chúng được chôn hoặc xử lý đúng cách.
PAX cũng quan ngại về hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và môi trường mà điều này gây ra cho cư dân Gaza. Tờ Times of Israel cho biết, đáng chú ý, từ trao đổi với các chuyên gia và dựa trên thông tin của nhiều nghiên cứu khác, có thể thấy rủi ro về sức khỏe còn đe dọa những người lính Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tại Dải Gaza và một số cư dân Israel.
Nhà báo Wim Zwijnenburg, người biên soạn báo cáo PAX, giải thích rằng có ba trung tâm chôn lấp rác có tổ chức ở Gaza trước khi xung đột bùng phát. Tuy nhiên, không còn trung tâm nào trong số đó hoạt động ở thời điểm này. Theo ông Zwijnenburg, hầu hết rác thải hiện tích tụ ở Gaza là rác thải sinh hoạt (nhựa, thực phẩm, nước thải...) và từ quá trình điều trị y tế. Ông bổ sung rằng các công trình bị tàn phá sau các đợt không kích của IDF cũng là mối nguy hiểm khác đối với sức khỏe bao gồm mảnh vỡ, amiăng, các thi thể đang phân hủy… Các núi rác thải chưa qua xử lý này là nơi sinh sôi màu mỡ cho bệnh tật, chuột và muỗi.
Những đống rác thải này còn có tác động lâu dài đến môi trường. Ví dụ, kim loại và các chất gây ô nhiễm khác sẽ từ từ thấm vào lòng đất và gây ra thiệt hại vượt xa biên giới Gaza.
Lo ngại tương tự đã được đề cập từ năm 2019, sau các vòng xung đột trước đó giữa Israel và Hamas. Một báo cáo được công bố vào thời điểm đó do giáo sư Nadav Davidovitch cùng các đồng nghiệp viết phát hiện ra rằng rủi ro đáng kể nhất đối với Israel là ô nhiễm nước biển, sông ngòi, bãi biển và các hồ chứa nước uống ở Israel do những khiếm khuyết trong xử lý nước thải ở Gaza.
Các tác giả lưu ý rằng tác nhân gây bệnh trong các dòng nước từ Gaza chảy về phía Bắc hướng tới Israel có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước, thậm chí xa tới Ashdod, thành phố lớn thứ sáu của Israel. Hơn nữa, họ còn cảnh báo về sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.
Israel nhận thức rõ tình hình ở Gaza và những rủi ro mà nó gây ra cho binh sĩ nước này, trong đó có nguy cơ dịch bệnh sẽ lan sang lãnh thổ. Gần đây, có thông tin cho biết IDF đã bắt đầu tiêm vaccine phòng bại liệt cho binh sĩ được triển khai đến Gaza.
Ngoài ra, quân đội Israel tuyên bố đang hợp tác với nhiều tổ chức khác nhau để cung cấp vaccine phòng bại liệt cho người dân Palestine ở Gaza. Theo quân đội Israel, kể từ khi xung đột bùng phát cách đây 10 tháng, khoảng 300.000 liều vaccine phòng bại liệt đã được gửi đến Gaza.
Israel cũng đang thúc đẩy công việc sửa chữa hệ thống vệ sinh tại các địa điểm tị nạn của người Palestine ở Gaza.
Giáo sư Davidovitch kết luận: “Cuối cùng, tất cả chúng ta đều sống trong cùng một khu vực. Ngoài thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân ở Gaza, đặc biệt là trẻ em và các nhóm yếu thế khác, bao gồm cả các con tin Israel, sẽ có sự lây lan. Ngoài yếu tố nhân đạo và đạo đức, việc giải quyết vấn đề cũng có tính chiến lược cần phải được tính đến”.