Với chủ đề "Liên minh toàn cầu thực thi Giải pháp hai nhà nước", đại diện từ 84 quốc gia và tổ chức đã nhóm họp để thảo luận về các biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy hòa bình trong khu vực. Các cuộc thảo luận tập trung vào những khó khăn đang cản trở tiến trình hướng tới giải pháp hai nhà nước, bao gồm cuộc khủng hoảng kinh tế leo thang ở các vùng lãnh thổ của Palestine, hoạt động định cư của Israel ở mức cao kỷ lục và tình trạng bạo lực hiện nay.
Các đại biểu tham dự cũng thảo luận về những tác động của luật pháp Israel đối với Cơ quan Cứu trợ của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA), khi hạn chế khả năng cung cấp các dịch vụ thiết yếu như giáo dục và chăm sóc sức khỏe của cơ quan này cho người tị nạn Palestine.
Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide đã nêu bật hậu quả nghiêm trọng của những thách thức này, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc củng cố các thể chế Palestine và nền kinh tế để ngăn tình hình xấu đi. Ông nhấn mạnh: "Cộng đồng quốc tế phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo giải pháp hai nhà nước trở thành hiện thực".
Ông kêu gọi các đại biểu dự hội nghị tìm kiếm những cách thức sáng tạo để củng cố các thể chế của Palestine và đẩy nhanh quá trình xây dựng nhà nước, nhấn mạnh rằng quyền tự quyết của người dân Palestine là chìa khóa để đạt được hòa bình lâu dài.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Palestine Mohammad Mustafa đã chia sẻ về các kế hoạch và ưu tiên trước mắt của Chính quyền Palestine.
Liên minh Toàn cầu thực hiện Giải pháp hai nhà nước do Na Uy, Liên minh châu Âu và Saudi Arabia (Ảrập Xêút) thành lập bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 năm ngoái, nhằm mục đích tăng cường sự phối hợp quốc tế để đảm bảo lệnh ngừng bắn, củng cố chính quyền Palestine và đặt nền tảng cho giải pháp hai nhà nước.
Liên quan thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza, các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận và kêu gọi Israel và Hamas thực thi đầy đủ.
Trên mạng xã hội X, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng thỏa thuận này đem đến hy vọng cho toàn bộ khu vực, kêu gọi hai bên thực thi thỏa thuận, coi đây là bước đi hướng đến ổn định lâu dài trong khu vực và giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.
Trong khi đó, Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas nhận định đây đột phá lớn và tích cực hướng đến chấm dứt bạo lực.
Tại Mỹ, nhiều nghị sĩ đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn. Lãnh đạo của phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer tin tưởng thỏa thuận này sẽ giúp giảm bớt thương vong của dân thường vô tội tại Gaza, đồng thời đánh giá cao hoạt động hiệu quả của các nhà ngoại giao.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Barrasso cho rằng đây là thông tin tích cực nhưng lưu ý cần phải xem xét hiệu quả thực hiện. Ông khẳng định những đổi thay trên thế giới phản ánh sức mạnh mới của nước Mỹ, khi tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị nắm quyền.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này hy vọng sau thỏa thuận, sẽ có hơn 500 xe tải chở hàng viện trợ vào Gaza.
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bày tỏ hy vọng thỏa thuận sẽ mở ra cánh cửa hòa bình và ổn định lâu dài cho người dân Palestine và khu vực. Ông khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức để hỗ trợ người dân Dải Gaza.
Trước đó, Qatar và Mỹ, hai bên trung gian hòa giải cho thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza, vừa thông báo chính thức về thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin giữa Israel và lực lượng Hamas. Việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn sẽ bắt đầu từ ngày 19/1. Theo đó, Hamas sẽ trả tự do cho 33 con tin trong giai đoạn đầu tiên, kéo dài trong 6 tuần, để đổi lấy việc Israel trả tự do cho những người Palestine đang bị bắt giữ. Các chi tiết về giai đoạn thứ hai và thứ ba của thỏa thuận sẽ được công bố sau khi giai đoạn đầu tiên hoàn tất.