Quảng trường Độc lập ở Kiev, Ukraine. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo báo Kyiv Post (Ukraine) ngày 12/4, trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng, chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo ra nhiều tác động đối với các đối tác thương mại, trong đó có Ukraine. Mặc dù nhiều nhà phân tích lo ngại về những khó khăn mà các doanh nghiệp Ukraine phải đối mặt, một số công ty lại nhìn thấy cơ hội bất ngờ từ chính sách này. Đâu là những doanh nghiệp có thể tận dụng tình thế và đâu là những ngành có nguy cơ chịu thiệt hại nặng nề nhất?
Ai sẽ hưởng lợi từ thuế quan mới?
Vào ngày 2/4 vừa qua, Mỹ đã áp dụng mức thuế chung 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia, bao gồm cả Ukraine. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các đối thủ cạnh tranh chính của Ukraine như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, cùng các quốc gia thành viên EU phải đối mặt với mức thuế thậm chí còn cao hơn. Đây chính là cơ hội cho một số doanh nghiệp Ukraine.
"Nghịch lý thay, mức thuế bổ sung thực sự có thể giúp ích cho các công ty Ukraine. Đây là cơ hội để thâm nhập hoặc mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ", Valentine Hrytsenko, Giám đốc Tiếp thị của nhà sản xuất hệ thống an ninh Ajax Systems, chia sẻ với Forbes Ukraine.
Ajax Systems dự đoán giá sản phẩm của mình tại Mỹ sẽ tăng 10%, nhưng điều này vẫn có thể mang lại lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ từ các nước chịu thuế cao hơn.
Về phần mình, công ty Esper Bionics của Ukraine, chuyên sản xuất và bán chân tay giả sinh học tại Mỹ, cũng đang xem xét chiến lược tương tự. Các sản phẩm chân tay giả của công ty có giá khoảng 22.000 USD tại thị trường Mỹ và thường được bảo hiểm chi trả.
"Điều này có thể làm tăng giá của chúng tôi cho thị trường này thêm 10%", Dmytro Hanush, Giám đốc Tiếp thị của Esper Bionics cho biết. Ông cũng lưu ý rằng đối với các công ty EU, mức thuế quan thậm chí có thể còn cao hơn, khiến "không rõ liệu điều này có mang lại cho chúng tôi lợi thế cạnh tranh hay trở thành vấn đề".
Trong khi đó, UBC Group, công ty xuất khẩu máy làm mát bia và đồ uống sang Mỹ, cũng có thể hưởng lợi nếu thuế quan gây tổn hại đến các đối thủ cạnh tranh đến từ Trung Quốc, Mexico và Canada. Tuy nhiên, tình hình không hoàn toàn thuận lợi khi khoảng một nửa nguyên vật liệu của UBC đến từ Trung Quốc. Hiện công ty đang tìm kiếm các giải pháp thay thế và cân nhắc tăng cường sản xuất tại Ukraine.
Theo UBC, nếu các công ty Trung Quốc chuyển hướng tập trung vào thị trường châu Âu vì thuế quan của Mỹ, công ty này có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn ở châu Âu, lưu ý rằng "điều này có thể ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh của nhiều công ty".
Những ngành nào của Ukraine dễ bị tổn thương nhất?
Mặc dù một số công ty có thể tận dụng tình hình, nhưng nhiều ngành ở Ukraine lại đang phải đối mặt với thách thức lớn từ chính sách thuế quan mới.
Với ngành công nghiệp luyện kim, theo Đại diện Thương mại Ukraine Taras Kachka, các sản phẩm luyện kim chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu của Ukraine sang Mỹ. Gang thép đóng góp tới 42% kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, với tổng trị giá 363 triệu USD trong năm ngoái. Các nhà sản xuất chính của Ukraine bao gồm Metinvest, Zaporizhstal và ArcelorMittal Kryvyi Rih.
Tuy nhiên, mức thuế quan 10% đối với Ukraine vẫn thấp hơn mức thuế quan 30% đối với Nam Phi hoặc 26% đối với Ấn Độ, hai quốc gia cũng xuất khẩu gang sang Mỹ. Đây có thể là lợi thế cho các nhà sản xuất Ukraine, mặc dù Metinvest thận trọng nhận định: "Vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của thuế quan".
Về ngành công nghiệp ống thép, ngành này đứng thứ hai trong danh mục xuất khẩu của Ukraine sang Mỹ, được sản xuất chủ yếu bởi Centravis và Interpipe. Đại diện Thương mại Kachka đánh giá ngành công nghiệp ống thép phải đối mặt với rủi ro cao nhất vì Tổng thống Trump đã áp thuế 25% đối với danh mục này, cao hơn nhiều so với mức thuế chung 10%.
CEO của Centravis, Yuriy Atanasov, dự đoán xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm. Năm ngoái, công ty đã xuất khẩu 3.000 tấn ống thép sang thị trường Mỹ. Tình hình còn nghiêm trọng hơn đối với Interpipe Niko Tube, khi Hiệp hội công nghiệp thép Ukraine (Ukrmetallurgprom) ước tính công ty có thể phải cắt giảm sản lượng tới 36%.
Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo Đại diện Thương mại Kachka, mặc dù các ngành công nghiệp lớn như luyện kim và ống thép chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu, nhưng các nhà xuất khẩu vừa và nhỏ lại là đối tượng dễ bị tổn thương nhất: "Nhà nước có thể không để ý, nhưng đối với một công ty nhỏ, việc mất đi một thị trường trị giá 100.000 USD có thể là một đòn giáng nghiêm trọng".
Ukraine có đáp trả bằng thuế quan riêng không?
Trước câu hỏi liệu Ukraine có kế hoạch đáp trả thuế quan của Mỹ bằng các biện pháp trả đũa hay không, ông Kachka khẳng định Ukraine không có ý định như vậy.
"Tôi không chắc chúng tôi nên làm vậy. Chúng ta đều biết cuộc đối thoại rộng hơn của chúng tôi với Mỹ nhạy cảm như thế nào. Lợi ích của chúng tôi là dỡ bỏ thuế quan, không phải là leo thang căng thẳng", ông Kachka nói với tờ Ekonomichna Pravda.
Kyiv Post lưu ý, trong bối cảnh Ukraine đang phải đối mặt với nhiều thách thức do xung đột với Nga, việc duy trì mối quan hệ ổn định với Mỹ - đối tác chiến lược quan trọng - là ưu tiên hàng đầu, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc phải chấp nhận một số bất lợi trong chính sách thương mại.
Như vậy, dù thuế quan mới của chính quyền Trump đặt ra thách thức cho nền kinh tế Ukraine, nhưng một số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và sản xuất vẫn có thể tìm thấy cơ hội mới. Đối với các nhà hoạch định chính sách Ukraine, thách thức lớn là làm thế nào để hỗ trợ các ngành dễ bị tổn thương nhất trong khi vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ - đối tác thương mại quan trọng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.