Theo hãng tin AP, Phó cảnh sát trưởng quốc gia Surachate Hakparn cho biết các nhà báo đã được một tình nguyện viên hoặc một nhân viên y tế vẫy vào tòa nhà, nhưng họ không biết người đó không có quyền cho phép họ vào trong.
Trước đó, theo kênh Channel News Asia (CNA), ông Danaichok Boonsom, người đứng đầu chính quyền địa phương, đã nộp đơn cáo buộc phóng viên CNN xâm nhập trái phép tài sản của chính phủ. Chia sẻ với các phóng viên sau khi rời khỏi đồng cảnh sát huyện Na Klang, ông Boonsom nhấn mạnh: “Hãy để quy trình pháp lý diễn ra theo quy định. Tôi không muốn tiết lộ chi tiết. Hãy để cảnh sát làm công việc điều tra”.
Giới chức địa phương đã nhờ cảnh sát vào cuộc sau khi một phóng viên Thái Lan đăng một bức hình lên mạng xã hội, trong đó chụp lại cảnh hai người trong nhóm phóng viên đài CNN rời khỏi hiện trường vụ xả súng. Một người còn thậm chí trèo qua bức tường thấp và hàng rào xung quanh khu nhà, vượt qua dây phong tỏa của cảnh sát.
Về phần mình, đăng trên tài khoản Twitter, đài truyền hình CNN khẳng định nhóm phóng viên vào hiện trường khi dây phong tỏa của cảnh sát đã được gỡ bỏ và được 3 quan chức y tế thông báo họ có thể quay phim bên trong.
Trong khi đó, tổ chức Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài của Thái Lan lên tiếng chỉ trích hành động của nhóm phóng viên CNN. “Hành động này là không chuyên nghiệp và vi phạm nghiêm trọng đạo đức báo chí trong việc đưa tin về tội phạm”, CLB lên án.
Trong thảm kịch ngày 6/10, một cựu cảnh sát đã sát hại tổng cộng 36 người, trong đó có 24 trẻ em. Hung thủ đã bị sa thải hồi đầu năm nay vì tội dùng ma túy.
Là vụ thảm sát tồi tệ nhất của Thái Lan từ trước đến nay, vụ tấn công đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc tế đến thị trấn nhỏ Uthai Sawan phía đông bắc của đất nước.