Chi phí du lịch New York ngày càng đắt đỏ do giá thuê phòng tăng vọt

Thành phố New York mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm vô giá trong tháng 12. Đó là cây thông Noel được trưng bày tại Trung tâm Rockerfeller, sân trượt tuyết trong công viên Bryant hay đơn giản chỉ là dạo bộ trên cầu Brooklyn. Nhưng khách du lịch cơ thể sẽ hơi bị sốc nếu nhìn vào mức chi phí cần phải bỏ ra.

Chú thích ảnh
Sân trượt băng trong công viên Bryant, Manhattan, New York được nhiều người tới trải nghiệm trong những tháng mùa đông lạnh giá. Ảnh: Getty Images.

Theo tờ WallStreetJournal, giá phòng khách sạn tại thành phố bị đẩy lên mức cao trong vài tuần gần đây, với mức trung bình 345 USD cho một đêm lưu trú. Trước đó, giá phòng đạt mức kỷ lục là 417 USD/đêm vào tháng 9, trùng với thời điểm diễn ra phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79, với hàng trăm đoàn khách đến từ các nước và đẩy nhu cầu tăng đột biến. Công suất sử dụng phòng cũng ở mức cao, với tỷ lệ lấp đầy lên đến 90% trong tháng 11 - theo khảo sát của hãng Costar.

Vé máy bay nội địa, vé tham quan và nhiều loại vé xem kịch Broadway cũng tăng. Giá vé xem vở “Theo Lion King” trong dịp nghỉ lễ Tạ ơn trung bình là trên 221 USD/người, tăng so với 192 USD/vé thời điểm năm năm trước đây.

Thế nhưng số du khách ít bị chi phối bởi tài chính lại tiêu xài mạnh tay cho lộ trình khám phá New York, theo kiểu bằng mọi giá có được một kỳ nghỉ không phải hối tiếc.

Richard và Margaret Owen đến từ thành phố Brisbane (Australia) ước tính đã bỏ ra số tiền khoảng 25.000 USD cho kỳ nghỉ tám ngày, bao gồm vé máy bay khứ hồi hạng thương gia từ Bristane tới New York. Hai vợ chồng này tính rằng mức giá này rẻ hơn so với chuyến đi New York hồi năm ngoái, bởi cắt được khoản chi phí của con gái và gia đình con gái đi cùng.

Vợ chồng Richard chọn ở tại khách sạn Hard Rock, với chi phí thuê phòng vào khoảng 5.000-6.000 USD. Họ đi xem vở ballet “Kẹp hạt dẻ” (The Nutcracker), màn trình diễn huyền thoại của các Rockettes ở nhà hát Radio City, xem kịch tại Broadway, thưởng thức bữa sáng tại quán Café Blue Box ngay trên Đại lộ 5 và tham quan Công viên Trung tâm bằng xe ngựa kéo. “Không ở đâu trên thế giới tổ chức kỳ Giáng sinh như New York. Mọi thứ đều phấn khích, vui vẻ và người dân nơi đây cũng rất tuyệt”, bà Margaret nói.

Laci Volcheck cùng chồng và hai con nhỏ từng thăm New York hồi tháng 9. Gia đình đến từ vùng ngoại ô Akron bang Ohio dự định sẽ quay trở lại New York và lưu trú tại chính khách sạn đã từng ở trước đó. Nhà Volcheck cắt ngắn lịch trình xuống chỉ còn một ngày đêm, với mức chi phí tiền phòng khoảng 600 USD thời điểm giữa tháng 12. Cũng chính loại phòng tại khách sạn này họ chỉ phải bỏ ra 400 USD hồi tháng 9 cho hai đêm. Volcheck hy vọng sẽ đi mua sắm, với ưu tiên là ghé thăm cửa hàng của Hermes và Cartier. “Với số tiền dự định chi cho mua sắm, tôi buộc phải cắt giảm chi phí ở những khoản khác”, cô Volcheck bày tỏ.

Sydney Sheldon, 30 tuổi, nhà sáng tạo nội dung số chuyên về du lịch có trụ sở ở London, thường viếng thăm New York hai lần trong năm để quay các đoạn video, đăng lên mạng xã hội phục vụ lượng người theo dõi. Trong chuyến du lịch vừa qua dịp nghỉ lễ Tạ ơn, cô nhận thấy mức chi phí tăng lên ở khắp thành phố. Sheldon di chuyển và đặt phòng ở một vài khách sạn hạng sang, với mức giá lên tới 1.000 USD/đêm bao gồm cả thuế và phí, đắt hơn 30% so với những năm trước đây. Cô phải bỏ ra 70 USD cho một chuyến xe Uber hai mươi lăm phút từ khu Upper East Side tới Greenwich Village đều cùng trong Manhattan.

“Tôi không muốn mất khoản tiền 50 USD cho một chuyến Uber trong khi chỉ dám chi 22 USD cho bữa salad”, Sheldon bày tỏ. Cô cũng không mời gia đình hay bạn bè cùng đi tới New York, bởi biết rằng họ sẽ phải chịu khoản chi phí đắt đỏ. Đây được xem là một bước thay đổi so với trước đây, khi du lịch New York thường được tổ chức theo nhóm.

Giá thuê phòng - gánh nặng với khách du lịch

Theo Sở Du thành phố New York, nhu cầu du lịch tới “Thành phố Quả táo Lớn” (Big Apple City - biệt danh của New York) cao nhất là từ Ngày lễ Lao động (ngày thứ hai tuần đầu tiên trong tháng 9) tới kỳ Giáng sinh năm mới. Chi phí đi lại tăng lên trong dịp này ở mọi nơi, không riêng chỉ New York.

Chú thích ảnh
Cảnh nhộn nhịp thường thấy ở Quảng trường Thời đại, thành phố New York. Ảnh: Getty Images

Theo Newsweek, bất chấp mức chi phí đắt đỏ, du khách tiếp tục đổ về New York. Sở Du lịch Thành phố ước tính năm nay “Quả Táo lớn” đón khoảng 65 triệu khách du lịch, gần bằng mức 66,6 triệu du khách năm 2019 – thời điểm tiền đại dịch COVID-19. Năm tới, lượng khách dự tính ước đạt triệu người và đa phần trong số này sẽ phải vật lộn với tình trạng giá phòng tăng. Dữ liệu từ công ty đặt vé du lịch Hopper cho thấy giá phòng bình quân ở New York từ ngày 23/12/2024 đến ngày 1/1/2025 là 430 USD/ đêm. Trong khi đó, giá phòng tại Las Vegas (bang Nevada) và Mianmi (bang Florida) lần lượt chỉ là 107 USD và 392 USD/đêm.

Có nhiều nguyên nhân đẩy giá phòng khách sạn lên cao. Đầu tiên là nguồn cung phòng khan hiếm do khách sạn bị chuyển đổi công năng. Roosevelt Hotel, khách sạn tên tuổi một thời nằm giữa Quảng trường Thời Đại và Ga Trung tâm ở vùng trung Manhattan, hiện được sử dụng làm nơi ở tạm thời cho người nhập cư tìm quy chế tỵ nạn. Đây không phải là trường hợp cá biệt: Có khoảng 135 khách sạn ở thành phố New York (chiếm 20% nguồn cung phòng) đã được chuyển đổi công năng sang nơi cư trú. Theo chương trình nhà ở cho người nhập cư, chính quyền thành phố chỉ trả tối đa 185 USD/đêm đối với phòng khách sạn chuyển mục đích sử dụng theo kiểu này.

New York từ lâu là nơi cung cấp chỗ ở cho người vô gia cư nhiều hơn bất kỳ thành phố nào tại Mỹ. Khởi nguồn là từ phán quyết của tòa án năm 1981, yêu cầu thành phố phải đáp ứng nhu cầu cư trú của bất kỳ ai có nhu cầu. Số liệu thống kê cho thấy các cơ sở lưu trú do thành phố chi trả tài chính hiện trung bình mỗi đêm tiếp nhận 87.000 người, tăng so với mức trung bình từ 45.000-55.000 người giai đoạn 2020-2022. Nguyên nhân là do dòng người nhập cư vào New York tăng vọt trong hai năm qua. Gánh nặng tài chính cũng rất lớn. Ước tính thành phố phải bỏ ra khoản tiền lên tới 4 tỷ USD trong năm 2024 để cấp chỗ ở cho người vô gia cư, tăng mạnh so với mức 2,7 tỷ USD năm 2022.

Dịch vụ thuê phòng ngắn hạn cũng gặp thách thức. Đạo luật Luật Địa phương số 18 (LL18) của New York chính thức có hiệu lực từ tháng 9/2023. Luật bổ sung nhiều điều khoản siết chặt cho thuê ngắn hạn. Đơn cử, luật yêu cầu chủ nhà kinh doanh dịch vụ cho thuê phòng Airbnb phải đăng ký với thành phố, phải ở cùng với khách trong thời gian lưu trú và giới hạn khách đặt phòng tối đa là hai người. Hệ quả là số nhà, căn hộ đăng ký làm dịch vụ Airbnb giảm tới 80%, từ 22.246 đơn vị xuống chỉ còn 2.276 đơn vị.

Chi phí tăng buộc khách du lịch phải điều chỉnh, thay đổi lớn. Một số người hủy các kế hoạch ăn tối tại nhà hàng, tìm kiếm những hoạt động chi phí rẻ hơn, hoặc là đặt phòng khách sạn ở xa trung tâm thành phố. Số khác lại chọn cách tìm kiếm thông tin về thuê phòng và căn hộ thông qua các kênh phi chính thức về kỳ nghỉ thuê phòng ngắn hạn như các hội nhóm trên Facebook hay ứng dụng Craigslist, Instagram hoặc theo lối truyền miệng.

Hoài Thanh (P/v TTXVN tại New York)
Tuyết cản trở dịp mua sắm Black Friday ở New York (Mỹ)
Tuyết cản trở dịp mua sắm Black Friday ở New York (Mỹ)

Mặc dù Black Friday được biết đến là dịp mua sắm đầy bận rộn, nhưng năm nay, một trận tuyết lớn đã làm gián đoạn không chỉ các hoạt động mua sắm ở bang New York, mà còn đe dọa tấn công các khu vực Hồ Erie và Hồ Ontario - hai trong số “Ngũ đại hồ” của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN