Trong một phát biểu trước Hạ viện, ông Fathi Bashagha, người được Quốc hội Libya chọn làm Thủ tướng, nhấn mạnh chính phủ của ông sẽ bắt đầu cân nhắc mọi lựa chọn và dàn xếp cần thiết để đưa văn phòng thủ tướng hoạt động trở lại tại thủ đô Tripoli một cách hợp pháp mà không dùng đến vũ lực.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Libya Aguila Saleh cho hay chính phủ mới của Libya cần đảm bảo các điều kiện phù hợp cho các cuộc bầu cử dựa trên lộ trình đã vạch ra. Bên cạnh đó, ông Saleh cũng kêu gọi Chính phủ Thống nhất quốc gia Libya (GNU), do ông Abdul-Hamid Dbeibah đứng đầu, nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho chính phủ mới.
Trước đó, ngày 1/3, Quốc hội Libya đã thông qua một nội các mới do cựu Bộ trưởng Nội vụ Fathi Bashagha đứng đầu. Ông Bashagha đã được Quốc hội ở miền Đông Libya bầu chọn làm thủ tướng mới vào ngày 10/2 và được giao nhiệm vụ thành lập một chính phủ mới, thay thế GNU của ông Abdu-Hamid Dbeibah mà quốc hội coi là đã hết nhiệm vụ.
Tuy nhiên, Thủ tướng lâm thời Dbeibah đã nhiều lần tuyên bố ông sẽ chỉ chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân cử. Ông đã được chỉ định làm Thủ tướng lâm thời của Libya cách đây một năm, như một phần trong lộ trình chính trị Libya do Liên hợp quốc bảo trợ. Trong một bài phát biểu trên truyền hình vào ngày 2/3, ông Dbeibah cáo buộc Quốc hội Libya đang tìm cách phá hoại cuộc bầu cử và nói rằng chính phủ do cơ quan này chỉ định sẽ không bao giờ hoạt động trên thực tế và sẽ không có chỗ đứng.
Ông Dbeibah có nhiệm vụ dẫn dắt đất nước Libya thực hiện các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống vào tháng 12/2021, song các cuộc bầu cử đã bị hoãn vô thời hạn và Chủ tịch Quốc hội Aguila Saleh - một ứng cử viên tổng thống - tuyên bố nhiệm vụ của người đứng đầu chính phủ có trụ sở tại miền Tây Libya đã kết thúc.
Quốc hội Libya được bầu vào năm 2014 và đặt trụ sở tại thành phố Tobruk ở miền Đông, trong khi chính quyền của ông Dbeibah đặt ở Tripoli, thuộc miền Tây, phản ánh sự chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái chính trị tại Libya.
Sự xuất hiện của một chính phủ mới do ông Bashagha đứng đầu một lần nữa đẩy Libya vào tình cảnh cùng tồn tại hai chính quyền song song với hai thủ tướng đối địch. Giới chuyên gia cảnh báo rằng diễn biến mới nhất tại Libya có thể châm ngòi cho một làn sóng bạo lực mới và có thể dẫn đến tình trạng đất nước bị chia cắt.