Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur đã có cuộc trao đổi với nhà phân tích chính trị xã hội, Giáo sư, Tiến sĩ Awang Azman Awang Pawi của trường Đại học Malaya.
Giáo sư Awang cho rằng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Anwar Ibrahim, chính sách đối ngoại của Malaysia đã chứng kiến sức sống mới, đặc biệt là trong việc củng cố mối quan hệ trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Việt Nam là một trong số các thành viên ASEAN mà Malaysia có mối quan hệ lâu dài và đã phát triển thành quan hệ Đối tác chiến lược từ năm 2015. Mối quan hệ giữa Malaysia và Việt Nam được đánh dấu bằng mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc, hợp tác ngoại giao được tăng cường và cam kết chung giải quyết các thách thức trong khu vực.
Đánh giá sâu hơn về mối quan hệ ngoại giao và hợp tác chiến lược giữa hai nước, Giáo sư Awang cho biết, mối quan hệ ngoại giao giữa Malaysia và Việt Nam có từ đầu những năm 1970, song dưới thời chính quyền Thủ tướng Anwar Ibrahim, mối quan hệ này đã được tiếp thêm sinh lực. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 11/2022, ông Anwar Ibrahim đã đưa ra một tầm nhìn rõ ràng về việc củng cố vai trò của Malaysia trong ASEAN, định vị hợp tác khu vực là nền tảng trong chính sách đối ngoại. Việt Nam, với tư cách là một trong những quốc gia đang trỗi dậy của ASEAN, chiếm một vị trí quan trọng trong chiến lược này.
Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Johari Bin Abdul có thể coi là cột mốc mới trong mối quan hệ giữa hai nước. Chuyến thăm này không những nhấn mạnh ý chí chính trị nhằm tăng cường hợp tác song phương, mà còn diễn ra trước thềm năm 2025 - năm Malaysia sẽ giữ cương vị Chủ tịch Đại hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA).
Trong khuôn khổ chuyến thăm, lãnh đạo Hạ viện Malaysia và các đối tác Việt Nam đã có các cuộc thảo luận tích cực và hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực hợp tác chính như tăng trưởng kinh tế, an ninh năng lượng và ngoại giao quốc hội.
Giáo sư Awang nhận định, có thể nói bản chất chiến lược của quan hệ Malaysia - Việt Nam được phản ánh trong các cuộc trao đổi Nghị viện đang diễn ra và khả năng ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan lập pháp của hai nước. Thỏa thuận này, nếu được hoàn tất, sẽ thể chế hóa hơn nữa sự hợp tác lập pháp, tăng cường ngoại giao nghị viện và thúc đẩy các ưu tiên quản trị chung. Sự tham gia cấp cao như vậy báo hiệu tầm nhìn chung cho tương lai, trong đó cả Malaysia và Việt Nam đều hướng đến việc tận dụng thế mạnh tương ứng của mỗi nước để cùng có lợi trong khuôn khổ ASEAN.
Đánh giá về những lĩnh vực hợp tác mới mà hai nước cùng quan tâm, Giáo sư Awang cho rằng chính quyền của Thủ tướng Anwar Ibrahim đã đặt trọng tâm đáng kể vào việc giải quyết các thách thức như an ninh lương thực và năng lượng tái tạo trong khu vực. Những vấn đề này trở thành nền tảng hợp tác, khi cả hai quốc gia đều tìm cách giảm sự phụ thuộc vào các nguồn bên ngoài và khai thác hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên riêng.
An ninh lương thực đã trở thành mối quan tâm nổi bật ở Đông Nam Á, sau khi một loạt sự kiện như đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine làm gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Malaysia đã trực tiếp chịu ảnh hưởng của tình trạng này, đặc biệt là trong việc nhập khẩu hàng hóa như ngũ cốc và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác.
Thủ tướng Anwar Ibrahim đã ủng hộ một cách tiếp cận khu vực để giải quyết vấn đề an ninh lương thực, kêu gọi sự hợp tác lớn hơn giữa các quốc gia ASEAN để đảm bảo tự cung tự cấp trong sản xuất lương thực. Việt Nam - quốc gia có ngành nông nghiệp lâu đời và năng lực sản xuất lương thực quy mô lớn - được coi là đối tác chính trong nỗ lực này.
Giáo sư Awang tin rằng bằng cách chia sẻ chuyên môn và nguồn lực, Malaysia và Việt Nam có thể hợp tác để tăng cường an ninh lương thực trong khu vực ASEAN, đảm bảo rằng các quốc gia thành viên có thể dựa vào nhau để đáp ứng nhu cầu lương thực trong thời kỳ khủng hoảng. Sự hợp tác này phù hợp với mục tiêu rộng lớn hơn của Malaysia là thúc đẩy sự hội nhập và khả năng phục hồi lớn hơn trong khu vực.
Ngoài an ninh lương thực, năng lượng tái tạo là một trọng tâm khác của hợp tác Malaysia - Việt Nam. Cả hai quốc gia đều giàu tài nguyên thiên nhiên có thể khai thác để sản xuất năng lượng sạch. Bang Sarawak của Malaysia sở hữu nguồn năng lực thủy điện dồi dào và đã bắt đầu xuất khẩu sang các nước láng giềng. Trong khi đó, với vị trí địa lý của mình, Việt Nam có tiềm năng đáng kể về năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió.
Chính quyền của Thủ tướng Anwar Ibrahim đã ủng hộ ý tưởng tạo ra một mạng lưới năng lượng khu vực, nơi các quốc gia ASEAN có thể chia sẻ năng lượng dư thừa, do đó thúc đẩy phát triển bền vững và an ninh năng lượng trên toàn khu vực. Những sáng kiến như vậy không chỉ củng cố mối quan hệ song phương mà còn góp phần vào mục tiêu lớn hơn của ASEAN là chuyển đổi sang năng lượng sạch và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Thông qua hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng này, Malaysia và Việt Nam có thể trở thành tấm gương cho các quốc gia ASEAN khác trong việc hợp tác để giải quyết các thách thức chung của khu vực.
Đánh giá một cách tổng thể về mối quan hệ Việt Nam - Malaysia trong giai đoạn hiện nay, Giáo sư Awang nhận định quan hệ giữa hai nước đã đạt đến tầm cao mới dưới sự dẫn dắt của chính phủ của Thủ tướng Anwar Ibrahim và mối quan hệ này đang được vun đắp nhờ sự hợp tác chiến lược và cam kết chung trong việc giải quyết các thách thức của khu vực.
Bên cạnh đó, mối quan hệ đối tác giữa hai thành viên ASEAN này phản ánh tầm nhìn rộng hơn về sự thống nhất và khả năng phục hồi của khu vực, trong đó sự hợp tác, đổi mới và hỗ trợ lẫn nhau là chìa khóa để đạt được các mục tiêu chung.
Theo Giáo sư Awang, khi Malaysia chuẩn bị đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, mối quan hệ với Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tương lai thịnh vượng và bền vững cho toàn bộ khu vực.