Trong tháng 11, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã khẳng định, nước này sẽ sẵn sàng điều chỉnh các biện pháp ứng phó nếu chính quyền mới ở Mỹ do Tổng thống đắc cử Donald Trump lãnh đạo áp đặt các chính sách bảo hộ thương mại.
Chia sẻ tại diễn đàn về Tầm nhìn Thái Lan 2025, Thủ tướng Paetongtarn cho biết, là quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu (chiếm tới 60% GDP), Thái Lan sẽ phải điều chỉnh các chiến lược thương mại để hỗ trợ xuất khẩu và duy trì khả năng tiếp cận thị trường Mỹ.
Theo Bangkokpost, cũng trong tháng 11, Văn phòng Thủ tướng Thái Lan cho biết bà Paetongtarn cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, trong đó cả hai đều cam kết ủng hộ chính quyền của nhau.
Tuy nhiên, giới nghiên cứu đánh giá mặc dù đã có một cuộc điện đàm được cho là khá thân thiện với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra, chính sách kinh tế “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump được dự báo sẽ có tác động đáng kể đến xuất khẩu Thái Lan nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Khi năm 2024 chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc và ông Trump cũng chỉ vài tuần nữa nhậm chức, Chính phủ Thái Lan được cho là đang bận rộn và gấp rút chuẩn bị đối phó với nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 2 đầy sóng gió của ông Trump.
Tiến sĩ Thanawat Polvichai, Chủ tịch Đại học Phòng thương mại Thái Lan và Chủ tịch Trung tâm dự báo kinh tế và kinh doanh, đã phác thảo những tác động tiềm tàng từ các chính sách của ông Trump đối với nền kinh tế Thái Lan và xu hướng xuất khẩu trong năm 2025.
Những chính sách của ông Trump sẽ tác động đến Thái Lan bao gồm: khả năng tăng thuế nhập khẩu của Trung Quốc lên 60%, áp thuế quan toàn cầu lên 10% và điều chỉnh cán cân thương mại với từng quốc gia. Ông Thanawat dự đoán những tác động của chính sách trên sẽ trực tiếp khiến cho đồng Baht Thái suy yếu cũng như khiến tổng kim ngạch xuất khẩu Thái Lan có thể giảm 3,1 tỷ USD, tương ứng với mức giảm 1,03% doanh thu xuất khẩu và giảm 0,59% GDP trong năm 2025.
Nếu tính đến cả tác động trực tiếp và gián tiếp, thiệt hại về lĩnh vực xuất khẩu của Thái Lan có thể lên tới 4,7 tỷ USD, tức là tổng kim ngạch xuất khẩu giảm tới 1,52% và GDP giảm 0,87%.
Trên cơ sở đó, Phòng thương mại Thái Lan đã đánh giá những tác động thương mại tiềm tàng của Chính quyền Trump 2.0 theo 3 kịch bản. Trong trường hợp sáng cơ bản nhất, không có mức tăng thuế quan nào từ Mỹ vào năm 2025. Khi đó xuất khẩu của Thái Lan ước tính đạt 302,477 tỷ USD, tương ứng với mức tăng trưởng 2,8%.
Trường hợp xấu hơn, Mỹ áp thuế quan 10% đối với hàng nhập khẩu từ Thái Lan, kết hợp với thuế quan 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này dự báo sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan giảm xuống chỉ còn 297,892 tỷ USD, tương ứng với xuất khẩu tăng 1,24%.
Trường hợp xấu nhất, Mỹ tăng 15%thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Thái Lan, kết hợp với thuế quan 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này sẽ khiến cho tổng kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan chỉ còn 296,339 tỷ USD và xuất khẩu chỉ tăng trưởng 0,72%.
Ngoài ra, nền kinh tế Thái Lan còn có thể chịu những tác động gián tiếp khác như việc hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn vào nước này khi Trung Quốc tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế Mỹ. Nhiều sản phẩm của Thái Lan như máy móc, đồ nội thất, đồ điện tử, kim loại và hàng dệt may có thể phải đối mặt với sự gia tăng mức độ cạnh tranh.
Tuy nhiên, ở chiều hướng tích cực nào đó, Thái Lan cũng có thể nắm bắt cơ hội để mở rộng thị phần tại Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực máy móc, đồ điện tử, sản phẩm cao su và đồ chơi. Tuy nhiên, để đạt được lợi thế này, hàng hóa của Thái Lan phải kịp thời thích nghi để bắt kịp nhu cầu và tăng cường sản xuất đúng và trúng.
Với những thách thức trên và một phần lợi thế nào đó, ông Danucha Pichayanan, Tổng thư ký Hội đồng phát triển tinh tế và xã hội quốc gia (NESDC) của Thái Lan, đã đưa ra 5 chiến lược chính giúp quản trị nền kinh tế Thái Lan trong thời gian tới.
Trước hết, ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế Thái Lan là tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chuẩn bị ứng phó với các rào cản thương mại leo thang. Điều này bao gồm việc tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với tác động từ biện pháp bảo hộ thương mại, đảm bảo khả năng phục hồi của hàng hóa Thái Lan trên thị trường toàn cầu.
Thứ hai , Thái Lan cần nỗ lực bảo vệ ngành sản xuất khỏi tình trạng bán phá giá trên thị trường và các hoạt động thương mại không công bằng. Các biện pháp chính bao gồm: tăng cường kiểm soát chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu, mở rộng hơn các tiêu chuẩn bắt buộc với nhiều mặt hàng nhập khẩu, thúc đẩy các thỏa thuận quốc tế về công nhận tiêu chuẩn lẫn nhau, trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với hàng hóa nhập khẩu không tuân thủ quy định.
Ngoài ra, chính phủ cũng cần có kế hoạch tăng cường giám sát các sàn thương mại điện tử nước ngoài thông qua việc yêu cầu đăng ký tư cách pháp nhân, có văn phòng tại Thái Lan. Luật thuế đối với người bán hàng trực tuyến và nền tảng nước ngoài hoạt động tại Thái Lan cũng cần được cập nhật, bổ sung với tình hình mới. Các cơ quan chức năng Thái Lan sẽ phải giám sát chặt chẽ, chống lại hành vi bán phá giá trên thị trường, các hoạt động thương mại không công bằng cũng như các hoạt động nhập khẩu bất hợp pháp thông qua khai thác lỗ hổng trong luật pháp.
Thứ ba , Thái Lan cần ưu tiên tăng cường lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân. Trong đó, nước này cần tận dụng vị thế trung tâm khu vực và sự sẵn sàng về cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là từ các công ty phải chuyển dời cơ sở sản xuất từ các nước bị áp quy định hạn chế về thương mại. Biện pháp này cũng bao gồm việc tăng cường triển khai các dự án đầu tư đã được phê duyệt trong giai đoạn 2022-2024 nhằm thúc đẩy các ngành sản xuất và dịch vụ có tiềm năng cao, cũng như đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển các vùng kinh tế chiến lược theo đúng tiến độ đã định.
Thái Lan cũng cần đặt mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi để thu hút các ngành công nghiệp, dịch vụ và tăng hiệu quả sản xuất thông qua đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến.
Ông Danucha Pichayanan nói rằng: “Đầu tư của chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của rào cản thương mại trong năm tới. Những nỗ lực đẩy nhanh giải ngân và đề xuất các kế hoạch đầu tư bổ sung sẽ kích thích lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là các hoạt động xây dựng và công nghiệp.”
Thứ tư, chính phủ Thái Lan sẽ phải tập trung hỗ trợ nông dân và điều chỉnh sản xuất nông nghiệp. Trong đó, nước này cần sớm hoàn thiện việc đánh giá thiệt hại để khẩn trương có biện pháp hỗ trợ cho những người nông dân bị ảnh hưởng. Thái Lan cần sẵn sàng ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong các hiện tượng La Nina, bằng cách quản lý tài nguyên nước và cải thiện cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống cảnh báo sớm. Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản và hàng hóa nông sản chế biến cũng là biện pháp hợp lý để hỗ trợ giá cả trong nước khi sản lượng hàng hóa tăng lên. Tiếp đó, Thái Lan cũng cần nghiên cứu việc sản xuất cây trồng theo vùng và chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp có giá trị cao.
Thứ năm , chính phủ cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) như: tăng thanh khoản, cải thiện năng lực sản xuất và tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, chính phủ có thể tiếp tục cơ cấu lại nợ của các hộ gia đình và doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các nhóm dễ bị tổn thương có lượng tín dụng ít và tỷ lệ nợ xấu cao.