Giám đốc Cơ quan tình báo Thụy Điển Anders Thornberg. Ảnh: REUTERS |
Trong một bài phỏng vấn đăng tải ngày 3/7, người đứng đầu Cơ quan tình báo nội địa Thụy Điển Sapo, ông Anders Thornberg cho biết hiện có khoảng 3.000 đối tượng có tư tưởng cực đoan quá khích đang cư trú trên lãnh thổ quốc gia Bắc Âu này, trong đó có 2.000 người mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Ông Thornberg dẫn lại báo cáo năm 2010 của Sapo ước tính số các phần tử Hồi giáo cực đoan cư trú tại Thụy Điển vào thời điểm đó chỉ là 200 người.
Trước đó, Sapo cho biết từ năm 2012 đến nay, có khoảng 300 đối tượng từ Thụy Điển tới Syria và Iraq gia nhập hàng ngũ của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, trong đó có 140 đối tượng trở lại nước này, còn 50 đối tượng khác được cho là đã bỏ mạng tại nước ngoài.
Theo nhận định của ông Thornberg, mặc dù có ít những phần tử Hồi giáo cực đoan có "tinh thần và khả năng" tiến hành các vụ tấn công, song số đối tượng này đều được xác định là có mối liên hệ chặt chẽ với khủng bố. Do đó, ông cho rằng điều quan trọng là mỗi người ở Thụy Điển phải có trách nhiệm chấm dứt xu hướng trên, trước khi xảy ra một vụ tấn công hay hành vi bạo lực.
Thụy Điển hiện vẫn đang cảnh giác cao độ sau vụ một công dân Uzbekistan có cảm tình với các nhóm thánh chiến điều khiển một xe tải đánh cắp, lao vào đám đông người đi bộ tại khu vực trung tâm mua sắm ở thủ đô Stockholm ngày 7/4, khiến 5 người thiệt mạng và 15 người bị thương.
Số liệu thống kê trên được công bố trong bối cảnh châu Âu trong vài gần đây đã trở thành mục tiêu tấn công của lực lượng khủng bố. Trên thực tế, các phần tử thánh chiến hoặc các đối tượng có cảm tình với khủng bố có gốc từ Thụy Điển có liên quan đến một số vụ tấn công. Điển hình là vụ đánh bom tàu điện ngầm ở thủ đô Brussels (Bỉ) năm 2016, Osama Krayem - một công dân Thụy Điển đã bị buộc tội là thủ phạm.