Theo hãng tin Reuters ngày 14/1, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc và Ấn Độ đang tìm kiếm nguồn cung dầu thay thế để thích nghi với các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt mới mà Mỹ áp dụng với các nhà sản xuất và tàu chở dầu Nga.
Nhiều tàu vừa bị Mỹ trừng phạt thuộc một đội tàu chở dầu Nga vốn đã tránh được các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Đây là các tàu chuyên vận chuyển dầu Nga đến Ấn Độ và Trung Quốc. Hai nước này đã mua dầu giá rẻ của Nga vốn bị cấm tại châu Âu sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Một số tàu này cũng đã vận chuyển dầu từ Iran - nước cũng đang chịu các lệnh trừng phạt.
Theo phân tích của công ty Lloyd’s List Intelligence, sau khi Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga, có khoảng 35% trong số 669 tàu tham gia vận chuyển dầu của Nga, Venezuela và Iran đã bị Mỹ, Anh hoặc Liên minh châu Âu trừng phạt.
Cước phí vận chuyển dầu bằng tàu chở dầu thô siêu lớn (VLCC), loại có thể chở 2 triệu thùng dầu thô qua các tuyến chính, đã tăng sau khi Unipec, công ty thương mại của nhà máy lọc dầu lớn nhất châu Á Sinopec, thuê một số tàu chở dầu lớn ngày 10/1.
Tuần trước, Unipec cũng đã mua một số lô dầu thô ngọt từ châu Âu và châu Phi, bao gồm 2 triệu thùng dầu Johan Sverdrup của Na Uy, 1 triệu thùng dầu thô Sangomar của Senegal, dầu Ten Blend của Ghana, dầu Djeno của Angola và các loại khác.
Ông Anoop Singh, trưởng bộ phận nghiên cứu vận tải toàn cầu tại Oil Brokerage, nói: “Họ phải tìm kiếm các loại dầu thô thay thế. Đó là nguyên nhân chính gây ra đợt tăng giá cước này”.
Kể từ ngày 10/1, Unipec đã đặt thuê tám tàu để vận chuyển dầu từ Trung Đông.
Những người mua khác của Trung Quốc như Petrochina và Rongsheng cũng đã thuê mỗi bên một tàu để vận chuyển dầu từ Trung Đông.
Một nhà môi giới tàu cho biết, cước phí trên tuyến từ Trung Đông đến Trung Quốc (tuyến TD3C), đã tăng 39% kể từ ngày 10/1 lên mức 37.800 USD mỗi ngày, cao nhất kể từ tháng 10/2024.
Cước phí vận chuyển dầu Nga đến Trung Quốc cũng tăng mạnh sau các lệnh trừng phạt.
Cước phí tàu Aframax để vận chuyển dầu thô ESPO từ cảng Kozmino ở Thái Bình Dương của Nga đến phía Bắc Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi vào ngày 12/1, lên 3,5 triệu USD khi các chủ tàu yêu cầu mức phí cao do nguồn tàu hạn chế trên tuyến này.
Ngoài tình trạng thiếu hụt, các tàu bị trừng phạt đang mắc kẹt bên ngoài tỉnh Sơn Đông (miền Đông Trung Quốc) không thể dỡ hàng do lệnh cấm của Tập đoàn Cảng Sơn Đông để tuân theo lệnh trừng phạt của Mỹ.
Theo ước tính của công ty phân tích tàu Vortexa, hơn 85% chuyến vận chuyển dầu thô của Nga đến Sơn Đông do các tàu vừa bị trừng phạt thực hiện.
Các nhà phân tích cho biết, nguồn cung tàu có thể eo hẹp hơn nữa khi các thương nhân tìm kiếm các tàu không bị trừng phạt để vận chuyển dầu của Nga và Iran.
Trong một lưu ý, các nhà phân tích của Kpler cho biết: “Chúng tôi dự báo sẽ có các tàu mới tham gia đội tàu chở dầu Nga những tháng tới, nhiều tàu trong số đó sẽ lần đầu tham gia tuyến vận chuyển này, khiến nguồn cung trên thị trường vận tải không bị trừng phạt càng thêm thắt chặt”.
Cước phí tàu VLCC trên tuyến từ Trung Đông đến Singapore tăng mạnh nhất, lên mức 61,35 WS từ mức 50,20 WS vào ngày 10/1. Worldscale (WS) là công cụ tính phí vận tải của ngành.
Trên tuyến Trung Đông đến Trung Quốc, cước phí tăng lên 59,70 WS, tăng từ mức 49,30 WS, trong khi cước phí cho tàu VLCC chở dầu từ Tây Phi đến Trung Quốc tăng từ 51,89 WS lên 61,44 WS.
Chi phí vận chuyển dầu thô từ Mỹ đến Trung Quốc hiện là 6,82 triệu USD mỗi chuyến, tăng 360.000 USD so với tuần trước.
Trước đó, kênh CNN ngày 10/1 đưa tin Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt quy mô lớn nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga, trong đó có việc đưa vào danh sách trừng phạt 183 tàu chở dầu và 2 tập đoàn dầu khí lớn - gồm Gazprom Neft and Surgutneftegas - cùng hơn 20 chi nhánh của các tập đoàn này.
Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt mới nhằm thực hiện cam kết của G7 về việc cắt giảm doanh thu từ năng lượng của Nga. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nhấn mạnh đây là đợt trừng phạt lớn nhất từng được áp đặt đối với ngành năng lượng Nga, nhắm mục tiêu khiến nền kinh tế của Nga chịu thiệt hại lên tới hàng tỷ USD mỗi tháng.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, Bộ Ngoại giao nước này cũng sẽ triển khai hành động chống ngành năng lượng Nga, cụ thể là chặn 2 dự án khí đốt thiên nhiên hóa lỏng đang hoạt động, 1 dự án dầu mỏ lớn của Nga và các thực thể của nước thứ ba hỗ trợ hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ còn đưa vào danh sách trừng phạt nhiều nhà cung cấp dịch vụ dầu khí có trụ sở tại Nga và các quan chức cấp cao của Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Rosatom.
Trong một động thái phối hợp với Mỹ, chính quyền Anh cùng ngày đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Gazprom Neft và Surgutneftegaz.
Anh và các đồng minh phương Tây cũng nhắm mục tiêu vào những con tàu đã và đang giúp Nga né tránh lệnh trừng phạt. Theo đó, các biện pháp trừng phạt mới của Anh sẽ hạn chế hoặc cấm những con tàu này di chuyển và tiếp cận một số cảng của Anh.
Đáp lại những bước đi nêu trên, Gazprom Neft ngày 10/1 tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động và duy trì khả năng chống chịu, bất chấp các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, cho rằng đây là quyết định thiếu căn cứ, bất hợp pháp và đi ngược lại nguyên tắc cạnh tranh tự do.
Tập đoàn dầu khí của Nga nêu rõ: “Gazprom Neft đã liên tục chuẩn bị sẵn sàng cho các kịch bản trừng phạt tiêu cực khác nhau suốt 2 năm qua. Ngoài ra, công ty gánh đã chịu các biện pháp trừng phạt đơn phương của nước ngoài từ năm 2022, do đó, nhiều hạn chế như vậy đã được lường trước trong quy trình hoạt động”.
Trong khi đó, công ty bảo hiểm Ingossstrakh của Nga - một đối tượng khác nằm trong danh sách trừng phạt - khẳng định vẫn hoạt động bình thường và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với khách hàng.
Về phần mình, Tổng thống Vladimir Putin nhận định các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với nước Nga đã gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu.