Theo dự kiến, Thái Lan sẽ chính thức ký kết FTA với Hiệp hội Thương mại Tự do Châu Âu (EFTA) vào tháng 1/2025. EFTA là thị trường bao gồm 4 quốc gia châu Âu gồm: Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein. Việc ký kết thành công FTA với EFTA là một bước tiến quan trọng với Thái Lan vì đây được xem là một thị trường tiềm năng với sức mua cao và có thế mạnh về công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan cho biết FTA Thái Lan- EFTA sẽ góp phần khuyến khích Liên minh châu Âu (EU) và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UEA) đẩy nhanh quá trình đàm phán với Thái Lan. Ông cho biết các thỏa thuận này rất quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài. Với vị trí địa chiến lược quan trọng, các FTA sẽ là đòn bẩy giúp Thái Lan trở thành trung tâm thương mại và đầu tư quan trọng ở khu vực Đông Nam Á.
Lễ ký kết hiệp định Thái Lan- EFTA dự kiến diễn ra bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới từ ngày 20-24/1 tại Davos (Thụy Sĩ), với sự chứng kiến của Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra.
Ngoài ra, theo tờ Bangkokpost, Chính phủ Thái Lan cũng đang nỗ lực hoàn tất các cuộc đàm phán FTA trong năm 2025 với một số đối tác quan trọng khác như Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Bhutan, cũng như giữa ASEAN-Canada (trong đó có Thái Lan). Theo Bộ Thương mại Thái Lan, nước này đang kỳ vọng đẩy nhanh các cuộc thảo luận để hoàn tất các FTA, đặc biệt là với EU.
Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan cho biết nước này hiện đã ký kết 15 FTA với 18 đối tác trên thế giới. Vào quý đầu tiên của năm 2025, FTA Thái Lan-Sri Lanka dự kiến sẽ có hiệu lực. Ông Pichai đánh giá FTA sẽ giúp Thái Lan tăng cường cơ hội thương mại và đầu tư, nâng cao tiêu chuẩn và củng cố lợi thế cạnh tranh.
Hiện nay, Thái Lan cũng đang thúc đẩy các cuộc đàm phán với Hàn Quốc theo khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế (EPA), nhằm mở rộng khả năng tiếp cận thị trường vượt ra ngoài cơ chế FTA ASEAN-Hàn Quốc hiện có và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Ông Pichai cho biết EPA được thiết kế để tìm kiếm những chiều hướng, lĩnh vực mới, bao gồm thương mại kỹ thuật số và hợp tác chuỗi cung ứng.
Chính phủ Thái Lan kêu gọi Hàn Quốc mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản xuất khẩu chất lượng cao từ Thái Lan, trong đó có các loại trái cây nhiệt đới (xoài, măng cụt và dứa), cũng như tôm, thịt gà tươi sống và chế biến. Ngoài ra, để củng cố quan hệ song phương, Thái Lan và Hàn Quốc đã có kế hoạch tái khởi động Ủy ban Thương mại chung (JTC) - cơ quan đã không hoạt động trong hơn 20 năm qua. Ủy ban này đặt mục tiêu giải quyết các rào cản về thương mại và đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại song phương. Theo dự kiến, Thái Lan sẽ tổ chức cuộc họp JTC vào đầu năm 2025.
Ngoài ra, Thái Lan cũng nhận định rằng các cuộc đàm phán FTA với Bhutan đang đi đúng hướng khi tập trung vào tự do hóa thương mại. Hai nước đã hoàn tất 2 vòng đàm phán và tiến tới mục tiêu là hoàn tất hiệp định vào năm 2025.
Trong khi đó, các cuộc thảo luận liên quan đến FTA ASEAN-Canada đã trải qua 9 vòng đàm phán, đạt được các thỏa thuận về dịch vụ thương mại và tạo thuận lợi cho hải quan. Hiệp định trên cũng đặt mục tiêu là hoàn tất các cuộc đàm phán này trong năm nay.
Thái Lan cũng đang nỗ lực tiếp tục thúc đẩy các FTA hiện có, bao gồm Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN và các thỏa thuận thương mại với Ấn Độ và Peru.
Nước này cũng kỳ vọng việc tăng cường xây dựng mối quan hệ đối tác kinh tế mới có thể mở đường cho các FTA trong tương lai, đặc biệt là với Anh, nhất là sau khi hai nước ký bản ghi nhớ nhằm tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư vào tháng 9/2024.