“Trên thực tế, những tuyên bố này phần lớn là một phần trong quan hệ song phương giữa Mỹ với Đan Mạch và các quốc gia khác”, ông Peskov nói khi trả lời câu hỏi của hãng thông tấn TASS ngày 9/1. “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến quan trọng này. Tạ ơn Chúa! Mọi chuyện vẫn chỉ dừng lại những tuyên bố”, ông Peskov nói thêm.
Bình luận của người phát ngôn Điện Kremlin được đưa ra sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm 7/1 tuyên bố rằng ông sẽ áp thuế đối với Đan Mạch, nếu nước này từ chối đề nghị mua Greenland, mà theo ông, có ý nghĩa sống còn với an ninh quốc gia Mỹ. Ông Trump cũng không loại trừ khả năng có hành động quân sự hoặc kinh tế để theo đuổi việc giành quyền kiểm soát Greenland. Tuy nhiên, Đan Mạch đã khẳng định Greenland không phải để bán.
Trước đó, vào năm 2019, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump cũng đề xuất ý tưởng mua Greenland, một hòn đảo tự trị của Đan Mạch. Tuy nhiên, cả chính quyền Greenland và Đan Mạch đều bác bỏ ý tưởng này, cho rằng đó là điều vô lý.
Ngoài ra, Tổng thống đắc cử Mỹ còn tích cực thúc đẩy ý tưởng Canada sáp nhập Mỹ với tư cách là tiểu bang thứ 51 của nước này. Ông Trump chỉ ra rằng động thái này không chỉ đảm bảo sự ổn định kinh tế của Canada, mà còn bảo vệ nước này khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài.
Ngay sau những phát biểu gây sốc của ông Trump về việc mua lại vùng lãnh thổ Greenland của Đan Mạch, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cũng đã đưa ra quan điểm cứng rắn về vấn đề này.
Ủy ban châu Âu (EC) hôm 8/1 ra tuyên bố khẳng định chủ quyền của các quốc gia cần được tôn trọng và đây cũng là giá trị ngoại giao và nguyên tắc cốt lõi mà EC đang hướng tới. Bên cạnh đó, điều khoản về phòng thủ chung theo Hiệp ước Lisbon cũng sẽ được áp dụng đối với Greenland trong trường hợp xảy ra các động thái quân sự. Tuy nhiên, EC bày tỏ mong muốn thúc đẩy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ hơn với chính quyền mới tại Mỹ, hướng tới các mục tiêu chung và lợi ích chiến lược quan trọng.
Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Sholz cho biết đã liên lạc với các đối tác trong khu vực về vấn đề Greenland và nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đều tỏ ra bối rối trước những tuyên bố của Tổng thống đắc cử Mỹ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức khẳng định việc không xâm phạm biên giới là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế mà các nước nhỏ hay siêu cường đều phải tuân thủ.
Phát biểu trên kênh phát thanh France Inter, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot nhấn mạnh Greenland là một phần lãnh thổ của EU và EU sẽ không để bất kỳ quốc gia nào “tấn công biên giới chủ quyền của khối”. Ông cũng tin tưởng Mỹ sẽ không dùng hành động quân sự với Greenland, đồng thời cho rằng thay vì chấp nhận bị đe dọa hoặc quan ngại quá mức, EU nên tự củng cố sức mạnh quân sự.
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định ý tưởng của Tổng thống đắc cử Trump về việc kiểm soát Greenland không phải là một kế hoạch khả thi và sẽ không bao giờ xảy ra.
“Rõ ràng là ý tưởng về Greenland không phải là một ý tưởng hay”, ông Blinken phát biểu trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Pháp Jean-Noel Barrot tại Paris hôm 8/1. “Nhưng điều đó sẽ không xảy ra, vì vậy chúng ta không nên lãng phí thời gian vào việc này”, ông nhấn mạnh.