Dẫn lời ông Ian Proud, một cựu nhà ngoại giao Anh từng là cố vấn kinh tế tại Đại sứ quán Anh ở Moskva, đài Sputnik đưa tin hai ứng cử viên tổng thống Mỹ là Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đã đưa ra những cách tiếp cận có vẻ khác nhau đối với cuộc xung đột ở Ukraine.
"Bà Kamala Harris sẽ đưa ra nhiều hơn nữa về những gì chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa ra cho cuộc xung đột này. Đó là sự ủng hộ không lay chuyển đối với chính quyền ở Kiev và sự không thay đổi lập trường của họ đối với các cuộc đàm phán hoà bình với Nga. Về cơ bản, sẽ không có cuộc đàm phán nào với Moskva cả", ông Proud chỉ ra.
Tuy nhiên, cựu quan chức ngoại giao này cho rằng trong trường hợp nữ ứng viên đảng Dân chủ đắc cử, "bà ấy sẽ thấy khó khăn hơn nhiều trong việc hỗ trợ tài chính cho Kiev như đã thực hiện dưới thời chính quyền Tổng thống Biden. Cho tới nay, hơn 100 tỷ USD đã được Mỹ viện trợ cho Ukraine”.
"Bà ấy sẽ tiếp tục ủng hộ bất cứ điều gì mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng ông ấy muốn làm, nhưng điều mà bà ấy có thể không làm được là cung cấp cho ông ấy số tiền và số lượng vũ khí mà ông ấy mong muốn. Điều này sau đó sẽ gây ra xung đột giữa chính quyền của bà và Ukraine", cựu nhà ngoại giao Anh cho biết.
Đối với ứng viên tranh cử đảng Cộng hoà Donald Trump, ông đã nhiều lần nhấn mạnh "cuộc chiến thực sự nên kết thúc" và "tốt hơn nhiều nếu đạt được một thỏa thuận với Nga, chấm dứt xung đột, rồi bắt đầu một tiến trình hòa bình lâu dài".
"Đó là một sự khác biệt rất đáng kể so với những gì bà Harris đưa ra. Chúng ta hãy cùng xem liệu ông ấy có thể thực hiện được điều đó hay không”, nhà phân tích Ian chỉ ra ông Trump nhiều lần tuyên bố công khai không muốn cung cấp nguồn tài chính vô tận để trợ giúp chính phủ ở Kiev.
Trong một cuộc phỏng vấn riêng rẽ với đài Sputnik, Earl Rasmussen, một cố vấn quốc tế và là trung tá đã nghỉ hưu với hơn 20 năm kinh nghiệm trong Quân đội Mỹ, đã đưa ra những suy nghĩ về cách hai ứng cử viên có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến NATO.
"Tôi tin rằng bà Harris thực sự sẽ quyết liệt hơn, thúc đẩy NATO nhiều hơn, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để củng cố NATO, ở mức độ mà bà ấy có thể, có thể sẽ tăng cường sự ủng hộ cho Ukraine và tất cả các cuộc xung đột trên toàn thế giới", ông Rasmussen lập luận.
“Có rất nhiều người theo đảng tân bảo thủ, tân tự do đang ủng hộ bà ấy… Tôi thấy Harris là ứng cử viên có quan điểm cứng rắn hơn trong hai ứng cử viên", ông Rasmussen chỉ ra.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump là người không có ý chí can dự rõ ràng. “Ông ấy muốn đối thoại. Lần trước, ông ấy đã liên lạc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với Triều Tiên, với Tổng thống Nga Putin. Ông cố gắng đàm phán với tất cả các bên, không chỉ dừng lại với chính quyền hiện tại. Nếu có bất kỳ hy vọng nào để giải quyết vấn đề xung đột Ukraine, thì đó sẽ là thông qua Tổng thống Trump. Ông Trump có nhiều yếu tố giảm nhẹ hơn", chuyên gia lý giải.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng trước đây ông Trump cũng đã nói về việc cải thiện quan hệ với Nga, nhưng thay vào đó, ông vẫn áp dụng các lệnh trừng phạt lên Moskva và khiến thời gian đó trở nên căng thẳng và tồi tệ.
Nhà phân tích lưu ý đối với các thành viên NATO, họ e ngại ông Trump vì họ không biết ông ấy sẽ làm gì. "Điều đó là không thể đoán trước. Nếu Mỹ rút khỏi NATO, liên minh sẽ tan rã hoàn toàn", ông Rasmussen nói thêm rằng nếu ông Trump thắng cử, "ông ấy sẽ độc lập hơn trong những việc muốn làm”.