Cụ thể, vào lúc 17h chiều 22/9, tỷ giá giao dịch giữa hai đồng tiền trên thị trường Tokyo đứng ở mức 145,77-78 yen/USD, tăng nhẹ so với mức giá 144,05-15 yen/USD trên thị trường New York (Mỹ) và 143,74-76 yen/USD trên thị trường Tokyo ở cùng thời điểm 1 ngày trước đó. Tuy nhiên, sau khi Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ, tỷ giá này đã có lúc giảm xuống dưới ngưỡng 141 yen/USD.
Trước đó, chiều 22/9, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định can thiệp vào thị trường tiền tệ để chặn đà mất giá của đồng yen. Đây là lần đầu tiên nước này thực hiện hành động can thiệp như vậy kể từ năm 1998. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Masato Kanda cho biết Nhật Bản "đã có bước đi mang tính quyết định" trong bối cảnh có những động thái đầu cơ trên thị trường. Ông Kanda cũng nhấn mạnh Nhật Bản "sẽ tiếp tục theo dõi các biến động trên thị trường ngoại hối".
Lần gần đây nhất Chính phủ Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ là các tháng 10 và 11/2011 sau khi đồng yen tăng giá mạnh nhất so với "đồng bạc xanh" của Mỹ kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, lên mức 75,32 yen/USD. Tuy nhiên, khi đó, Bộ Tài chính Nhật Bản lại thực hiện nghiệp vụ bán yen để mua vào đồng USD. Theo các nhà đầu tư, trong đợt can thiệp mới nhất này, Nhật Bản có thể đã bán các tài sản được định giá bằng đồng USD mà nước này đang nắm giữ như trái phiếu kho bạc Mỹ để mua yen.
* Tại Philippines, Hiệp hội Ngân hàng nước này thông báo đồng nội tệ peso đã giảm xuống mức giá thấp kỷ lục mới so với đồng USD trong ngày thứ 3 liên tiếp khi đóng cửa ở mức 58,49 peso/USD.
Đồng peso suy yếu sau khi FED tăng mạnh lãi suất trong đêm. Để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng trung ương Philippines (BSP) ngày 22/9 cũng đã tăng lãi suất 0,50 điểm %, nâng lãi suất cơ bản lên 4,25%, mức cao nhất kể từ tháng 8/2019.