Đức đề xuất Pháp chuyển ghế thường trực tại HĐBA LHQ cho châu Âu

Ngày 28/11, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz đề xuất Pháp nên chuyển chiếc ghế ủy viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thành ghế đại diện cho Liên minh châu Âu (EU) nhằm giúp khối này có tiếng nói chung trên vũ đài quốc tế.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bài phát biểu tại một diễn đàn về tương lai châu Âu tại Đại học Humboldt ở Berlin, ông Scholz nêu rõ Pháp có thể trở thành Đại sứ thường trực của EU tại LHQ nếu Paris "hy sinh" chiếc ghế quyền lực tại HĐBA cho châu Âu. Ông Scholz cho rằng việc này sẽ cần thời gian để thuyết phục Paris, song đây sẽ là mục tiêu “táo bạo và khôn ngoan”.

Pháp hiện là một trong 5 thành viên thường trực HĐBA LHQ kể từ khi cơ quan này được thành lập năm 1945 sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 nhằm ngăn ngừa một cuộc xung đột quy mô lớn khác xảy ra.

Trong tổ chức đa phương LHQ gồm tổng cộng 193 thành viên, Pháp cùng với 4 thành viên thường trực khác là Anh, Trung Quốc, Nga và Mỹ là những nước có tầm ảnh hưởng lớn nhất do nắm quyền phủ quyết tại HĐBA. Ngoài 5 thành viên thường trực, HĐBA LHQ còn có 10 nước thành viên không thường trực do các nước luân phiên đảm nhiệm theo kết quả bầu cử tại đại hội đồng. Tháng 1/2019, Đức sẽ bắt đầu nhiệm kỳ của nước này với tư cách ủy viên không thường trực tại HĐBA LHQ. 

Trước đây, đã có nhiều nước kêu gọi cải cách HĐBA LHQ theo hướng mở rộng thành phần ủy viên thường trực trong bối cảnh nhiều quốc gia đang nổi trở thành ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế quyền lực tại HĐBA. Ấn Độ, Brazil và Nhật Bản đã bày tỏ tham vọng trở thành ủy viên thường trực tại HĐBA, trong khi nhiều nước châu Phi đề nghị có 2 ghế thường trực để họ có tiếng nói đại diện lớn hơn cho “lục địa đen”.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
EU tiếp tục 'ép' Italy sửa đổi dự thảo ngân sách
EU tiếp tục 'ép' Italy sửa đổi dự thảo ngân sách

Ngày 28/11, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis cho rằng việc Italy đề xuất cắt giảm thâm hụt ngân sách trong năm tới xuống còn 2,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vẫn không đủ điều kiện để có thể tránh các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN