Các tuyến cáp quang dưới biển đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc truyền tải hơn 98% lưu lượng dữ liệu toàn cầu. Đây là trụ cột của nền kinh tế số, đảm bảo sự ổn định cũng như an toàn cho kết nối kỹ thuật số.
Trong khuôn khổ Cơ chế Liên kết châu Âu (MIE), Liên minh châu Âu (EU) đặc biệt chú trọng đến vấn đề an ninh của các cơ sở hạ tầng quan trọng này, theo đó tất cả các dự án được tài trợ đều phải đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh nghiêm ngặt của EU, bao gồm việc sử dụng công nghệ bảo mật tiên tiến và các hệ thống giám sát để phát hiện cũng như ngăn chặn các mối đe dọa.
Phó Chủ tịch EC phụ trách về chủ quyền công nghệ, an ninh và dân chủ Henna Virkkunen nhấn mạnh các dự án mà EC tài trợ sẽ giúp hiện đại hóa cơ sở hạ tầng hiện có và triển khai các công nghệ mới nhất. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng kết nối thiết yếu đồng nghĩa với việc đầu tư vào sự ổn định và tương lai của EU.
Cũng theo bà Virkkunen, các dự án được tài trợ thông qua đợt gọi vốn thứ ba của MIE sẽ đóng góp đáng kể vào việc tăng cường kết nối giữa châu Âu với các quốc gia bên ngoài, cũng như giữa các quốc gia thành viên và các vùng hải ngoại.
Với tổng số tiền tài trợ lên tới 420 triệu euro cho các dự án cáp quang biển trong giai đoạn 2021-2023, EU đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc xây dựng một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả. Chương trình tài trợ thứ hai của MIE (2024-2027) đã dành thêm 542 triệu euro để cung cấp cho các dự án kết nối, nâng tổng số tiền đầu tư của EU cho lĩnh vực này lên gần 1 tỷ euro. Điều này cho thấy EU coi trọng việc đầu tư vào các cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quan trọng.
Việc đầu tư mạnh mẽ vào các hệ thống cáp quang biển không chỉ giúp tăng cường kết nối giữa các quốc gia mà còn góp phần đảm bảo an ninh và chủ quyền kỹ thuật số của châu Âu. Đây là một bước đi quan trọng trong việc xây dựng một châu Âu số hóa, cạnh tranh và bền vững.