Tại châu Âu, mức tăng giá trong năm nay được dự đoán sẽ vừa phải, trong khi mức tăng mạnh nhất sẽ diễn ra tại Mỹ.
Ông Alexey Belogoryev, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Năng lượng và Tài chính Foundation, nhận định rằng vào năm 2025, giá khí đốt sẽ tăng trên hầu hết các thị trường lớn, nhưng hầu hết mức tăng này sẽ diễn ra trong nửa đầu năm, khi giá giảm mạnh vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân năm 2024.
“Tôi dự đoán giá khí đốt Trung tâm giao dịch TTF Hà Lan trung bình sẽ tăng khoảng 10% so với năm trước, trong khi chỉ số chuẩn JKM của châu Á có thể tăng lên đến 13%, kéo theo sự chênh lệch giá giữa châu Á và các thị trường khác lên gần 10%”, ông nói.
Ông Sergey Kaufman, nhà phân tích của Công ty Dịch vụ tài chính Finam, dự đoán giá khí đốt trung bình tại châu Âu sẽ tăng vừa phải, đạt mức 420 USD/1.000m3.
Nguyên nhân chủ yếu của đợt tăng giá này được cho là do các cơ sở lưu trữ khí đốt ngầm cạn kiệt nhanh chóng vào tháng 11 và tháng 12/2024, tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), cùng với sự không chắc chắn về thời điểm các dự án LNG của Mỹ đi vào hoạt động.
Ông Belogoryev cũng lưu ý rằng các hạn chế đối với LNG của Nga tại EU khó có thể có hiệu lực trước năm 2026. Trước đó, hãng thông tấn TASS đưa tin rằng giá khí đốt ở châu Âu đã giảm xuống còn khoảng 0-390 USD vào năm 2024, dựa trên dữ liệu tương lai từ sàn giao dịch ICE của London và các tính toán của cơ quan.
Mặc dù có lo ngại về việc vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine có thể tác động đến giá, nhưng các chuyên gia cho rằng yếu tố này không phải là yếu tố quyết định.
Finam dự báo giá sẽ chỉ tăng nhẹ trong ngắn hạn, lên tới 10%.
“Đây không phải là vấn đề toàn châu Âu mà là cuộc khủng hoảng cục bộ ảnh hưởng đến Áo và Slovakia. Thị trường Tây Bắc Âu, nơi hình thành giá khí đốt châu Âu, chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp từ những vấn đề quá cảnh của Ukraine”, ông Belogoryev nhận định.
Hơn nữa, hiện nay, vốn đầu cơ không còn ảnh hưởng mạnh đến giá khí đốt như trước đây, sau đợt tăng đột biến vào năm 2021-2022. Mặc dù vốn đầu cơ vẫn giữ vai trò quan trọng để duy trì thanh khoản cho thị trường, nhưng không còn là yếu tố quyết định giá cả.
Trong cuộc phỏng vấn vào mùa thu năm ngoái, Giám đốc điều hành Gazprom, ông Alexey Miller, đã đề cập đến sự xuất hiện của vốn đầu cơ trên thị trường khí đốt châu Âu, đẩy giá cả trong khu vực tăng cao.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia, ông Alexey Grivach, cho biết giá khí đốt ở châu Âu có thể tiếp tục tăng trong trường hợp nửa cuối mùa đông lạnh và không có gió. Điều này sẽ tác động đến mức tiêu thụ khí đốt cao và ảnh hưởng đến khối lượng khí đốt trong các cơ sở lưu trữ ngầm vào cuối mùa sưởi ấm.
“Cuộc khủng hoảng giá cả trên thị trường khí đốt vẫn tiếp diễn, đặc biệt là ở châu Âu. Giá khí đốt hiện nay vẫn cao gấp 2 đến 3 lần so với mức trung bình của thập kỷ trước. Tình trạng này đã kéo dài gần bốn năm, kể từ mùa hè năm 2021. Đây là đòn giáng mạnh vào các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng và ngành khí đốt, với thiệt hại lên tới hàng chục tỷ USD do mối quan hệ với Nga bị gián đoạn”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Dự báo xu hướng giá khí đốt cho năm 2026-2027
Tại châu Á, giá khí đốt dự báo sẽ tăng trong năm nay do sự cạnh tranh ngày càng lớn với châu Âu về nguồn cung LNG. Mỹ sẽ chứng kiến mức tăng mạnh nhất, với giá giao ngay dự báo tăng 29% so với năm ngoái, do mức giá năm 2024 đang ở mức thấp kỷ lục và nhu cầu LNG tăng trong bối cảnh sản lượng bị hạn chế.
Chuyên gia Belogoryev giải thích rằng vào cuối năm 2025, thị trường LNG toàn cầu sẽ có sự cải thiện, và xu hướng giá ở châu Âu và châu Á sẽ đảo ngược, dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong giai đoạn 2026 - 2027, sau đó sẽ phục hồi dần vào năm 2028 - 2029.
“Mặc dù giá khí đốt sẽ giảm đáng kể trong giai đoạn 2026 - 2027, nhưng sẽ không giảm mạnh như giai đoạn 2019 - 2020. Dự báo đến năm 2027, giá khí đốt tại TTF sẽ chạm đáy ở mức 320 USD/1.000m3, vẫn sẽ cao gấp đôi so với mức giá năm 2019, do lạm phát và việc thiếu hụt khí đốt đường ống của Nga thay thế cho LNG”, ông Belogoryev cho biết.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng dự đoán sẽ có một khoảng cách giá tạm thời giữa giá giao ngay của Áo và Italy so với chỉ số TTF trong giai đoạn 2025 - 2026, do nguồn cung khí đốt của Nga cho Trung và Đông Âu giảm.