Đây là vụ kiện mang tính bước ngoặt, được đánh giá là có khả năng định hình “tương lai của Internet”.
Trong nhiều giờ tranh luận, thẩm phán Amit Mehta thuộc tòa án sơ thẩm liên bang ở Washington đã đặt câu hỏi cho cả hai bên, qua đó thăm dò xem liệu các nền tảng như TikTok của ByteDance, Facebook và Instagram của Meta có phải là lựa chọn thay thế khả thi cho các nhà quảng cáo hay không. Vị thẩm phán nhấn mạnh vấn đề trọng tâm là phải xác định các nhà quảng cáo có thể sử dụng các nền tảng thay thế để đưa ra phán quyết cuối cùng. Tuy nhiên, ông Mehta cũng không tiết lộ thời điểm đưa ra phán quyết cuối cùng liệu hành vi của Google có vi phạm luật chống độc quyền hay không.
Bên cạnh đó, thẩm phán Mehta cũng đặt câu hỏi liệu Google có xem xét giá cả của các đối thủ cạnh tranh trước khi thực hiện điều chỉnh của riêng mình hay không. Hoạt động kinh doanh quảng cáo của Google mang lại khoảng 75% doanh thu cho công ty. Theo công tố viên David Dahlquist, mức doanh thu “khủng” chính là yếu tố thúc đẩy sức mạnh độc quyền của Google.
Phản bác lại cáo buộc trên, luật sư John Schmidtlein của Google cho rằng thị phần của hãng công nghệ này trong doanh thu quảng cáo kỹ thuật số tại Mỹ đã giảm dần và công ty đang phải đối mặt với những hạn chế từ các nền tảng cạnh tranh. Bên cạnh đó, ông cũng đề cao sự đổi mới liên tục của Google trong các sản phẩm quảng cáo tìm kiếm và nhấn mạnh sự tập trung của tập đoàn vào việc cung cấp các dịch vụ vượt trội.
Vụ kiện với Google được Bộ Tư pháp Mỹ khởi xướng từ năm 2020 và là vụ khởi kiện đầu tiên của cơ quan này với một hãng công nghệ, kể từ sau vụ kiện tập đoàn Microsoft hồi thập niên 1990 về độc quyền xung quanh hệ điều hành Windows. Phiên xét xử đầu tiên vụ kiện này diễn ra vào tháng 9 năm ngoái. Theo giới chức Mỹ, cũng giống như Microsoft trước đây, Google đã củng cố thế độc tôn trên thị trường thông qua những biện pháp nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh, như chi tiền cho các nền tảng hay gây sức ép với các nhà sản xuất điện thoại Android để họ phải cài đặt Google làm công cụ tìm kiếm mặc định. Phía Bộ Tư pháp Mỹ cũng lập luận rằng Google đã thao túng thị trường tìm kiếm bằng cách thay đổi trật tự kết quả nhằm tối ưu doanh thu quảng cáo, hoặc "dìm" sản phẩm của đối thủ, nhưng không mang lại hiệu quả cho người dùng.
Đứng trước các cáo buộc này, Google khẳng định rằng người dùng vẫn có nhiều sự lựa chọn về tìm kiếm từ nhiều đối thủ như Bing của Microsoft hay Amazon và việc hãng đạt lợi thế dẫn đầu đến từ khả năng cải tiến công cụ của mình nhờ dữ liệu cũng như thói quen tìm kiếm của khách hàng.