Danh sách 7 vùng thảm họa đặc biệt gồm Anseong thuộc tỉnh Gyeonggi; Cheorwon thuộc tỉnh Gangwon; Chungju, Jecheon và Eumseong thuộc tỉnh Bắc Chungcheong; Cheonan và Asan thuộc Nam Chungcheong.
Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ Hàn Quốc, mưa lũ bất thường tại các khu vực miền Trung nước này trong tuần qua đã khiến ít nhất 17 người thiệt mạng, 10 người mất tích, khoảng 2.500 người sơ tán và hư hại 6.200 tòa nhà.
Các quan chức Hàn Quốc có kế hoạch thị sát thêm nhiều địa phương để đánh giá chính xác mức độ thiệt hại của những địa phương này trước khi đưa vào danh sách vùng thảm họa đặc biệt cần sự hỗ trợ của chính phủ.
Tại Hàn Quốc, chính phủ sẽ được phép trích ngân sách nhà nước để hỗ trợ các địa phương thuộc diện vùng thảm họa đặc biệt từ 50 đến 80% chi phí cần thiết để khắc phục hậu quả thiên tai. Người dân các địa phương này sẽ được trợ cấp sinh hoạt phí cũng như miễn tham gia nghĩa vụ quân sự.
* Cùng ngày, một vụ lở đất do mưa lớn nhiều ngày đã xảy ra tại bang Kerala, miền Nam Ấn Độ, khiến 15 người thiệt mạng. Đến nay, lực lượng cứu hộ đã giải cứu được 12 người may mắn sống sót dưới các lớp bùn đất sạt lở.
Theo cơ quan chức năng địa phương, khu vực xảy ra lở đất là một nông trường trồng chè và vào thời điểm xảy ra thảm họa, tại đây có 78 người, phần lớn là công nhân nông trường này, đang làm việc.
* Trong khi đó, ngày 7/8, giới chức Nam Sudan cho biết lũ quét tại bang miền Đông Jonglei đã khiến ít nhất 150.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Theo giới chức địa phương, mực nước lũ đã dâng cao thêm 1,5m sau đợt mưa từ hồi tháng 7. Hiện chính quyền bang đang hối thúc chính phủ và các cơ quan cứu trợ hỗ trợ người dân vùng thiên tai.
Năm ngoái, các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) ước tính có 900.000 người dân Sudan tại các vùng Jonglei, Pihor và Đông Equatoria phải đi sơ tán tránh lũ. Trong khi đó, Chương trình Lương thực LHQ và Tổ chức Lương Nông thế giới mới đây cảnh báo 60.000 người tại Nam Sudan đã bắt đầu rơi vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng do bạo lực tại các vùng Jonglei và Pibor.