Hàn Quốc tiến gần hơn đến mục tiêu tự cung tự cấp hạt nhân

Động thái này không chỉ thể hiện mong muốn giảm sự phụ thuộc vào urani nhập khẩu, đặc biệt từ Nga, mà còn khơi dậy các cuộc tranh luận về khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của Seoul trong bối cảnh căng thẳng với Triều Tiên.

Chú thích ảnh
Trong bối cảnh căng thẳng với Triều Tiên, các cuộc tranh luận về việc Hàn Quốc cần phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình đang được khơi dậy. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trong một động thái đáng chú ý, Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Hyundong Cho vừa công bố kế hoạch đề xuất Mỹ đồng ý cho nước này xây dựng và vận hành các cơ sở tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, tờ Kommersant của Nga ngày 28/10 đưa tin. Theo Đại sứ Cho, đây sẽ là ưu tiên hàng đầu của Seoul sau cuộc bầu cử Mỹ 2024.

Hiện tại, Hàn Quốc đang vận hành 26 lò phản ứng điện tại 8 nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, quốc gia này phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn urani làm giàu nhập khẩu, trong đó hơn 30% đến từ Nga. Các thỏa thuận năng lượng hạt nhân hiện hành với Mỹ không cho phép Seoul độc lập tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

Giới chức Hàn Quốc ngày càng bày tỏ quan điểm rằng những hạn chế này là không hợp lý. Họ cho rằng Hàn Quốc cần có khả năng tự cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân và đặc biệt là nguồn nhiên liệu cho tàu ngầm hạt nhân trong tương lai.

Trong bối cảnh căng thẳng với Triều Tiên, các cuộc tranh luận về việc Hàn Quốc cần phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình đang được khơi dậy. Những người ủng hộ cho rằng điều này sẽ giúp Seoul tự bảo đảm an ninh trong mọi tình huống biến động địa chính trị. Ngược lại, phe phản đối cảnh báo việc sở hữu vũ khí hạt nhân có thể làm tình hình bán đảo Triều Tiên thêm bất ổn, ảnh hưởng đến quan hệ Hàn-Mỹ và gây ra những hậu quả kinh tế khó lường.

Anton Khlopkov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Năng lượng (CENESS) – một trong những tổ chức nghiên cứu chính của Nga tập trung vào các vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân, kiểm soát vũ khí và năng lượng hạt nhân, nhận định Hàn Quốc có vẻ nghiêm túc trong ý định trở thành quốc gia có tiềm năng công nghệ để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Mặc dù chưa có dấu hiệu cho thấy Seoul đã quyết định khởi động chương trình vũ khí hạt nhân, nhưng việc nước này quan tâm đến công nghệ xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng cho thấy cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn chính sách hạt nhân của họ.

Trong khi Washington vẫn chưa có phản hồi chính thức về tuyên bố của Đại sứ Cho, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó đã bày tỏ quan điểm phản đối việc Hàn Quốc phát triển kho vũ khí hạt nhân riêng. Theo ông Khlopkov, có thể Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng đang theo dõi chặt chẽ hơn hoạt động hạt nhân của Hàn Quốc, dù tổ chức này chưa đưa ra bình luận chính thức.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo TASS)
Thực hư thông tin UAV Hàn Quốc bay qua Bình Nhưỡng rải truyền đơn
Thực hư thông tin UAV Hàn Quốc bay qua Bình Nhưỡng rải truyền đơn

Trong khi Bình Nhưỡng cáo buộc UAV Hàn Quốc xâm nhập lãnh thổ Triều Tiên vì mục đích chính trị thì quân đội Hàn Quốc cho rằng tuyên bố của Bình Nhương chỉ là đơn phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN