Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu, Thông tin và Truyền thông Thảm họa BNPB, ông Abdul Muhari cho biết 3 ngọn núi lửa đang hoạt động mạnh bao gồm núi Lewotobi Laki ở Đông Nusa Tenggara, núi Ibu ở Bắc Maluku và núi Merapi ở Trung Java.
Cụ thể, núi Lewotobi Laki đã phun trào 6 đợt để từ đầu tháng 1 và dự báo tiếp tục hoạt động phun trào nham thạch. Đáng chú ý, hoạt động của núi lửa này đi kèm theo nhiều hình thái động đất, trong đó có 6 lần động đất phun trào, 135 trận động đất giật và 52 trận động đất núi lửa sâu. Đến nay, các cộng đồng xung quanh núi lửa Lewotobi Laki và du khách vẫn được yêu cầu không thực hiện bất kỳ hoạt động nào trong bán kính 5 km tính từ trung tâm phun trào.
Ở Bắc Maluku, núi Ibu đã được cảnh báo mức độ hoạt động cấp 3 từ giữa năm 2024 đến nay. Đợt phun trào mới nhất diễn ra ngày 11/1 với cột tro bụi cao tới khoảng 4.000 mét và có cường độ dày. Tất cả cư dân vùng lân cận đã nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương để thực hiện những việc được cho là cần thiết, bao gồm cứu hộ, sơ tán tạm thời và dự đoán những tác động có thể phát sinh. Trung tâm Giảm nhẹ thiên tai địa chất và núi lửa cũng đã mở rộng bán kính khuyến nghị người dân giữ khoảng cách an toàn là 4-5,5 km từ miệng núi lửa.
Tại Trung Java, núi Merapi, nằm trong 4 khu vực hành chính, bao gồm Klaten, Magelang và Boyolali ở Trung Java và Sleman ở Yogyakarta, cũng được xác định đang hoạt động ở cấp độ 3. Hoạt động phun trào của núi Merapi hiện nay vẫn đang khá mạnh và thường xuyên xuất hiện mưa xung quanh đỉnh núi lửa. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Thảm họa Địa chất cảnh báo ngoài tuyết lở, mối nguy hiểm tiềm tàng hiện nay là dung nham nóng và mưa lũ dung nham ở khu vực 4 con sông Boyong, Bedog, Krasak và Bebeng, cách đó 5-7 km.
Indonesia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình dương nên có nhiều núi lửa rải rác ở nhiều khu vực. Nước này hiện có tổng cộng 130 ngọn núi lửa đang hoạt động.