Iran và châu Âu bất ngờ tham vấn hạt nhân ngay trước lễ nhậm chức của ông Trump

Chỉ một tuần trước lễ nhậm chức của ông Donald Trump tại Mỹ, Iran và các cường quốc châu Âu đã bắt đầu tham vấn hạt nhân tại Geneva. Đây là nỗ lực nhằm tháo gỡ căng thẳng về chương trình hạt nhân của Tehran, trong bối cảnh các bên đối mặt áp lực từ các lệnh trừng phạt và nguy cơ xung đột leo thang.

Chú thích ảnh
Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Natanz của Iran. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một diễn biến bất ngờ, Iran và ba cường quốc châu Âu (E3) gồm Anh, Pháp và Đức bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán tại Geneva từ ngày 13 - 14/1/2024, chỉ một tuần trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1 tới. Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng xung quanh chương trình hạt nhân của Iran.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Đức và Iran đều nhấn mạnh đây chỉ là "tham vấn", không phải đàm phán chính thức, nhưng cuộc gặp này có ý nghĩa quan trọng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baqaei cho biết mục tiêu chính là thảo luận về việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, đồng thời Iran cũng sẵn sàng lắng nghe các vấn đề mà phía đối tác muốn nêu ra.

Các cường quốc châu Âu đang tìm cách đạt được những nhượng bộ mới từ Tehran trước khi ông Trump - người từng theo đuổi chính sách "gây sức ép tối đa với Iran" trong nhiệm kỳ đầu - quay trở lại Nhà Trắng. Về phía Iran, nước này đang cố gắng tự bảo vệ mình trước những động thái cứng rắn có thể có của ông Trump bằng cách thể hiện sự cởi mở với đối thoại.

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Iran hiện là quốc gia phi hạt nhân duy nhất sở hữu uranium làm giàu tới 60%, đang tiến gần tới ngưỡng 90% cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Tehran khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình.

Tình hình càng trở nên căng thẳng sau khi Israel tấn công 20 địa điểm của Iran vào ngày 26/10 năm ngoái, vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ các cơ sở hạt nhân và phá hủy một cơ sở bí mật tại Parchin. Thêm vào đó, Iran cũng đang phải xem xét lại chiến lược khu vực sau khi các lực lượng dân quân thân Tehran là Hezbollah, Hamas đang suy yếu và chính quyền Assad ở Syria sụp đổ.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo rằng việc đẩy nhanh chương trình hạt nhân của Iran đang đưa tình hình "đến rất gần điểm bùng phát". Vào tháng 12/204, E3 đã chỉ trích Tehran tăng kho dự trữ uranium làm giàu lên "mức chưa từng có" mà không có lý do chính đáng nào về dân sự.

Tuy nhiên, vẫn còn cơ hội cho giải pháp ngoại giao. Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, người nhậm chức từ tháng 7 năm ngoái, đã ủng hộ việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân và kêu gọi chấm dứt tình trạng cô lập của Tehran. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cũng bày tỏ sẵn sàng tham gia đàm phán xây dựng, với công thức "xây dựng lòng tin vào chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt".

Các nguồn tin cho biết E3 vẫn lo ngại rằng áp lực từ Israel hoặc chính quyền Trump mới có thể đẩy Iran vượt qua "ranh giới vũ khí hạt nhân". Điều này càng trở nên cấp thiết khi đến tháng 10/2025, cơ chế cho phép áp đặt lại các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran sẽ hết hạn. Đây có thể là cơ hội cuối cùng để đạt được một thỏa thuận trước khi tình hình trở nên khó kiểm soát hơn.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo jpost.com/arabnews.com)
Quân đội Iran bổ sung 1.000 thiết bị bay không người lái
Quân đội Iran bổ sung 1.000 thiết bị bay không người lái

Ngày 13/1, quân đội Iran đã nhận 1.000 thiết bị bay không người lái nhằm tăng cường năng lực quốc phòng trong bối cảnh xung đột trong khu vực diễn biến phức tạp và căng thẳng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN