Hãng tin DW (Đức) nhận định Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Angela Merkel trong thời gian qua đã nảy sinh bất đồng về thương mại và mức chi tiêu quốc phòng của Đức trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Nhiều quan chức Chính phủ Đức đã chỉ trích quyết định rút quân của Tổng thống Trump. Phó Chủ tịch liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) - Johann Wadephul nói: “Kế hoạch này một lần nữa cho thấy chính quyền Tổng thống Trump phớt lờ yếu tố trung tâm của lãnh đạo: mối liên hệ của các đối tác đồng minh trong quá trình ra quyết định”.
Việc Tổng thống Trump chỉ định rút 9.500 binh sĩ khỏi Đức không chỉ khiến Thủ tướng Merkel mà còn cả Thị trưởng Grafenwoehr – nơi đồn trú của binh sĩ Mỹ trong 7 thập niên qua – bất ngờ.
Nằm gần với nơi phân chia giữa Tây Đức và Đông Đức trước đây, Grafenwoehr là nơi cơ sở hạ tầng quân sự và kết nối với cộng đồng người dân địa phương của Mỹ vẫn duy trì sau Chiến tranh Lạnh. Thị trưởng Grafenwoehr - ông Edgar Knobloch chia sẻ binh sĩ Mỹ đã hòa nhập với nơi đây.
Trong thời gian quan hệ nồng ấm nhất giữa hai quốc gia hậu Chiến tranh Thế giới Thứ hai, quân đội Mỹ được người dân Tây Đức chào đón. Thế hệ người Đức lớn tuổi vẫn nhớ về thời kỳ Elvis Presley đóng quân tại phía Bắc Frankfurt từ 1958-1960. Elvis Presley thậm chí còn ghi âm một bài hát bằng tiếng Đức về thời gian này.
Thái độ trong quan hệ giữa hai quốc gia đã “hạ nhiệt” vào cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 của thế kỷ trước khi NATO quyết định triển khai tên lửa Pershing II của Mỹ dẫn đến nhiều cuộc biểu tình phản đối tại Tây Đức. Kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, nhiều chính trị gia Đức đã yêu cầu di dời vũ khí hạt nhân Mỹ khỏi lãnh thổ Đức.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến do Quỹ Koerber và Trung tâm nghiên cứu Pew phối hợp thực hiện và công bố kết quả trong tháng 11, có tới 85% người Mỹ coi những căn cứ quân sự của nước này tại Đức là quan trọng đối với an ninh quốc gia. Trong khi đó, chỉ 52% người Đức cho rằng những căn cứ quân sự của Mỹ là quan trọng đối với an ninh quốc gia Đức.
Điều phối viên quan hệ xuyên Đại Tây Dương của Chính phủ Đức – ông Peter Beyer lo ngại rằng quyết định rút quân của Tổng thống Trump sẽ gây tổn hại lâu dài đến mối quan hệ Mỹ- Đức. Ông Peter Beyer đánh giá: “Điều này gây ảnh hưởng không chỉ tới 9.500 binh sĩ mà còn gia đình họ, đồng nghĩa với tổng cộng 20.000 người Mỹ”.
Cách đây ít nhất 2 năm, đã xuất hiện nhiều thông tin cho rằng Tổng thống Trump cân nhắc rút binh sĩ tại Đức và có thể chuyển họ sang Ba Lan.
Trước thông tin Tổng thống Trump dự định rút bớt binh sĩ khỏi Đức, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki vào ngày 6/6 lên tiếng bày tỏ hy vọng được đón nhận thêm binh sĩ Mỹ. Ông Mateusz Morawiecki nói: “Tôi thực sự hy vọng rằng qua nhiều đàm phán và Ba Lan luôn là đối tác gắn kết của NATO, thì những binh sĩ Mỹ rút khỏi Đức sẽ đến Ba Lan”.